16/05/2017
1338
0
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức - Thông báo
Chuyên Gia Lê Long Sơn: Cơ Hội Việc Làm Nhật Bản & Phát Triển Nghề Nghiệp Tương Lai

Ngày 13/5/2017, Giám đốc Lê Long Sơn đã tham gia chương trình "Chuyên gia của bạn" phát sóng trực tiếp vào lúc 15h15 phút đến 15h45 phút trên FM100 Mhz, VOV1 - Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp và phát trực tuyến tại website: http://vov1.vov.vn/chuyen-gia-cua-ban-c25.aspx về chủ đề: “Cơ hội việc làm Nhật Bản và phát triển nghề nghiệp tương lai”.

Sau đây, Esuhai xin được phép dẫn lại nội dung của "Chuyên gia của bạn" mà Giám đốc Lê Long Sơn đã tham gia và trao đổi cùng quý vị độc giả theo dõi chương trình.

Thưa quý vị và các bạn! Thị trường lao động Nhật Bản đang được đánh giá cao cả về chất lượng, số lượng tham gia và mức thu nhập. Trong tổng số 15 quốc gia phái cử, Việt Nam là nước đứng thứ hai sau Trung Quốc về số lượng Thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản, với khoảng 60.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. 

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Chính phủ Nhật Bản đang dự kiến sẽ tăng gấp đôi số lượng Thực tập sinh làm việc tại nước này. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng số lượng Thực tập sinh vào Nhật Bản làm việc. Đặc biệt, cuối năm 2016, Nhật Bản vừa thông qua Luật mới về việc kéo dài thời hạn lưu trú cho các Thực tập sinh đến 5 năm thay vì 3 năm như trước đây. 

“Cơ hội việc làm tại Nhật Bản và phát triển nghề nghiệp tương lai” là chủ đề của chương trình hôm nay.

Xin trân trọng giới thiệu, vị khách mời:

Ông Lê Long Sơn - Giám đốc công ty TNHH Esuhai, Hiệu trưởng Trung tâm Nhật ngữ Cải Tiến (KaizenYoshidaSchool).

Khách mời: Xin chào Quý vị thính giả nghe Đài Tiếng Nói Việt Nam. Chào Biên tập viên Thu Duyên.

BTV: Cảm ơn ông Lê Long Sơn - Giám đốc công ty TNHH Esuhai, Hiệu trưởng Trung tâm Nhật ngữ Cải Tiến (KaizenYoshidaSchool), đã có mặt tại phòng thu trực tiếp của VOV1 để tham gia chương trình.

Thưa ông, thông thường chúng ta hay nói đi lao động hay làm việc ở nước ngoài, nhưng với thị trường Nhật Bản thì là đi Thực tập sinh. Chương trình Thực tập sinh có sự khác biệt gì? Chương trình Thực tập sinh tại Nhật Bản, đem lại giá trị và ý nghĩa như thế nào?

Ông Lê Long Sơn: 

+ Khác với các quốc gia khác thì luật pháp Nhật Bản không cho phép tiếp nhận lao động phổ thông mà chỉ cho phép tiếp nhận TTS kỹ năng người nước ngoài vào các công ty để thực tập nâng cao tay nghề. 

+ Mục đích của chương trình TTS kỹ năng là: Nhật Bản tiếp nhận người lao động từ các nước đang phát triển đến thực tập, nâng cao tay nghề, kỹ năng, cải thiện tác phong làm việc công nghiệp, ngoại ngữ trong một thời gian cụ thể từ 01 năm hoặc 03 năm (thời gian tới có thể nâng tối đa lên 05 năm). Đội ngũ này về nước sẽ đóng góp cho sự phát triển của các công ty, các ngành công nghiệp của quốc gia đó. 

+ Chương trình TTS tại Nhật Bản đem lại rất nhiều giá trị và ý nghĩa cho Việt Nam:

Việt Nam cần đào tạo một thế hệ thanh niên có tay nghề giỏi trong các lĩnh vực sản xuất-gia công-chế tạo, có tác phong công nghiệp, có năng lực ngoại ngữ. Và đây là cơ hội tốt để đào tạo ra nguồn nhân lực này cho đất nước.

Không những có cơ hội học tập để nâng cao tay nghề mà các TTS còn để dành được một số vốn nhất định khoảng vài trăm triệu làm hành trang lập nghiệp.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng đầu tư ra nước ngoài. Có rất nhiều công ty, nhà máy của Nhật tại Việt Nam. Các TTS sau khi về nước có cơ hội làm việc trong các công ty, nhà máy này, tiếp tục phát triển những gì đã học được trong thời gian làm việc tại Nhật và phát triển sự nghiệp bản thân. Nếu thế hệ này phát huy đúng cơ hội một cách triệt để sẽ trở thành những sứ giả cầu nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, tiến tới chuyển giao kỹ thuật công nghệ sản xuất vào Việt Nam. Là cú hích cầu nối phát triển mạnh mẽ tầm vóc người Việt Nam và thương hiệu Việt Nam trên bản đồ thế giới. 

2. Trong tổng số 234 doanh nghiệp được cấp phép phái cử Thực tập sinh sang Nhật Bản làm việc thì có 27/234 doanh nghiệp phái cử được hơn 500 đến hơn 1.000 thực tập sinh; 85 doanh nghiệp phái cử dưới 100 Thực tập sinh và có 43 doanh nghiệp không đưa được Thực tập sinh nào sang Nhật Bản trong năm 2016. Những con số này nói tới điều gì, thưa ông?

Ông Lê Long Sơn: 

Như Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp đã nhận xét trong hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vào tháng 3 vừa qua thì các doanh nghiệp mình đông nhưng chất lượng không đồng đều và chưa mạnh. 

Năm 2016 thị trường Nhật Bản đã tiếp nhận từ Việt Nam khoảng 40,000 TTS và con số này cho thấy, chỉ gần 30 doanh nghiệp trong tốp đầu đã đưa sang Nhật khoảng gần 30,000 TTS trong số đó. Trong khi hơn 200 doanh nghiệp còn lại chỉ đưa được khoảng 10,000 TTS/năm. Các doanh nghiệp đưa được nhiều TTS thường là các doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm, tên tuổi và thương hiệu uy tín, có chất lượng tuyển chọn đầu vào tốt, có cơ sở đào tạo bài bản chuyên nghiệp, hỗ trợ người lao động khi làm việc ở nước ngoài cũng như khi họ trở về, nên được khách hàng và ứng viên TTS tin tưởng và tìm đến nhiều. Còn các doanh nghiệp chưa tạo dựng được thương hiệu và quy mô nhỏ không đầu tư nhiều thì khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, cũng như chưa tạo được niềm tin từ các ứng viên TTS nên thu hút được ít khách hàng và ứng viên hơn. 

3So với các thị trường lao động khác, phía doanh nghiệp Nhật Bản, yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Long Sơn: 

 Các doanh nghiệp Nhật yêu cầu khá khắt khe và kỹ lưỡng trong tiếp nhận người lao động đến làm việc. Thường các doanh nghiệp Nhật không kén chọn lắm đến kinh nghiệm làm việc mà ưu tiên những UV có sức khỏe tốt, nghiêm túc, chăm chỉ, có thái độ cầu tiến, có mục đích rõ ràng, có năng lực học tập. Nên các doanh nghiệp Nhật Bản thường sẽ sang VN trực tiếp phỏng vấn và tuyển chọn người. Chính vì vậy người lao động đều phải được đào tạo về tiếng Nhật, tác phong, ý thức kỷ luật sống và làm việc theo văn hóa, pháp luật Nhật Bản.

4. Như vậy, doanh nghiệp muốn bắt kịp xu hướng và đáp ứng nhu cầu của đối tác Nhật Bản thì phải tự nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho đối tác? 

Ông Lê Long Sơn: 

Đúng là như vậy. Công ty Esuhai và Trung tâm Nhật ngữ Cải Tiến (KaizenYoshidaSchool) chúng tôi lấy yêu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp Nhật làm tiêu chí để tạo nguồn và đào tạo. Chúng tôi liên kết với các trường cao đẳng nghề, trung cấp, đại học để đào tạo trước cho các sinh viên ngoại ngữ và kỹ năng mềm, định hướng nghề nghiệp trước khi ra trường. Đồng thời chúng tôi tổ chức đào tạo các UV TTS rất bài bản và kỹ lưỡng. Các TTS trước khi sang Nhật hầu như đã rất vững vàng tiếng Nhật và có định hướng mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng sau khi về VN. Vì vậy, TTS của Esuhai khi sang Nhật làm việc được các doanh nghiệp tiếp nhận đánh giá cao.

5. Công ty Esuhai đang hướng tới cung cấp nhân lực ở cấp độ trình độ nào? Hiện tại Công ty đang hợp tác cung cấp nhân lực cho những đối tác nào?

Ông Lê Long Sơn: 

Cty Esuhai nhắm đến các đối tượng học sinh tốt nghiệp cấp 3, TC/CĐ/ĐH. Là những thanh niên có mục tiêu muốn sang Nhật để nâng cao tay nghề, chuyên môn đã học, nâng cao kiến thức ngoại ngữ để tương lai trở về quê nhà phát triển nghề nghiệp tương lai. 

75% ứng viên tham gia chương trình của Esuhai có trình độ ĐH/CĐ/TC. Đối tượng này đã được đào tạo nền tảng kiến thức chuyên môn nhưng thiếu va chạm, thực hành thực tế. Thông qua chương trình làm việc tại Nhật Bản, các bạn sẽ nhanh chóng nắm bắt vấn đề, áp dụng những điều đã học vào thực tiễn, từ đó nâng cao chuyên môn, tay nghề và còn có thể học hỏi được thêm nhiều cái mới, phát triển cơ hội, tăng giá trị bản thân sau khi trở về nước và lựa chọn cơ hội việc làm tốt hơn. 

Đồng thời, bên cạnh chương trình phái cử TTS là đối tượng lao động phổ thông thì Esuhai cũng đã và đang phát triển mạnh đối tượng là kỹ sư trong các ngành kỹ thuật để đào tạo và tiến cử sang làm việc tại Nhật Bản theo chương trình lao động bậc cao. Chương trình này không giới hạn thời gian làm việc có thể gia hạn để làm việc lâu dài. 

Esuhai chọn Nhật Bản là đối tác duy nhất để hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

6. Để đào tạo được nhân lực chất lượng cao, không phải là vấn đề đơn giản đúng không ông? Có rất nhiều khó khăn? Động lực gì để ông lựa chọn con đường đi này?

Ông Lê Long Sơn: 

Chắc có lẽ xuất phát từ cơ hội bản thân tôi cách đây hơn 20 năm tôi cũng đã sang được Nhật Bản để học tập và làm việc. Từ những trải nghiệm và được sống và làm việc tại đất nước Nhật Bản đã hình thành trong tôi một niềm mong ước cháy bỏng là tương lai của Việt Nam cũng phải phát triển được như Nhật Bản. Mà để làm được như vậy thì cần rất nhiều người, nhiều thế hệ có mục tiêu phát triển, có tư duy trở thành những nhà quản lý, chuyên gia, ông chủ nhỏ, tạo ra các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng có hàm lượng gia công chi tiết giá trị cao, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ, tạo ra những sản phẩm “Made in Vietnam” có chất lượng sánh ngang “Made in Japan”. Khi đội ngũ này càng đông sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động và như vậy thì Việt Nam mới càng phát triển. 

7. Thưa ông Lê Long Sơn, ông xây dựng Trung tâm Nhật ngữ Cải Tiên (KaizenYoshidaSchool) với mong muốn đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, giỏi nghề? Tại sao ông lại có ý tưởng xây dựng mô hình Doanh nghiệp và Trường đào tạo này?

Ông Lê Long Sơn: 

Tôi quan niệm rằng: “Giáo dục” và “việc làm” là cơ sở cốt lõi cho sự phát triển một xã hội phồn vinh và bền vững nhất. Giáo dục mà không định hướng để tạo ra việc làm thì cũng không được. Mà khi có cơ hội việc làm mà không được đào tạo đến nơi đến chốn cũng không tốt. Chúng tôi quan niệm, học viên phải thành nhân trước khi thành danh. Các bạn phải là người tử tế, nghiêm túc. Có như vậy thì các bạn mới có nhiều cơ hội việc làm và việc làm tốt. Vì vậy, trước khi các em xuất cảnh, chúng tôi thường tổ chức các buổi học định hướng, chia sẻ với các em về những điều nên làm khi sinh sống và học tập tại Nhật để bản thân được phát triển hơn và cũng là để hình ảnh người Việt Nam mình tốt đẹp hơn trong mắt người Nhật nói riêng và người nước ngoài nói chung. 

8. Thưa ông, giá trị quan trọng mà Esuhai hướng tới khi phát triển chương trình Thực tập sinh tại Nhật Bản là gì?

Ông Lê Long Sơn: 

Giá trị quan trọng mà Esuhai hướng tới khi phát triển chương trình TTS chính là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đội ngũ này trở thành nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam trong tương lai. Cụ thể, những TTS khi về nước sẽ là nhân sự quan trọng, là mắt xích quan trọng trong các nhà máy Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam cũng như trong việc kết nối đầu tư, thương mại, công nghệ Nhật Bản về nước.

Esuhai hiện hợp tác với hơn 350 công ty và hơn 50 Hiệp hội Nhật Bản tiếp nhận TTS làm việc. Rất nhiều công ty trong số này đã, đang và có nhu cầu mở chi nhánh tại Việt Nam. Một doanh nghiệp Nhật khi đầu tư mở chi nhánh tại Việt Nam họ sẽ không quá lo lắng về vốn, kinh nghiệm làm ăn hay sản xuất sản phẩm, quy trình công nghệ… vì đa phần các công ty này đã có bề dày lịch sử từ hàng chục đến hàng trăm năm trong lĩnh vực mà họ hoạt động. Điều mà họ lo lắng và quan tâm chính là con người bởi đặc trưng văn hóa làm việc của các doanh nghiệp Nhật họ coi “Xí nghiệp là con người”. Vì  vậy, những TTS đã được họ đào tạo tại Nhật là những người mà họ đã có thời gian tương tác, kiểm tra năng lực, sự tận tụy, trách nhiệm, trung thành trong công việc, nên người lao động trở về nước chính là những nhân sự chủ chốt, quan trọng mà các công ty Nhật cần đến.

9. Esuhai được tiếp nhận vốn ODA Nhật Bản để xây dựng Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật Việt - Nhật và có văn phòng tại Nhật hỗ trợ người lao động trong thời gian sống và làm việc tại Nhật Bản. Đây là điều không phải doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng có thể làm được?

Ông Lê Long Sơn: 

Mục tiêu ra đời là của Esuhai –  và trung tâm đào tạo Kaizen  là đào tạo và phái cử nguồn nhân lực ưu tú của  Việt Nam cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Thông qua chương trình đào tạo chuyên nghiệp, những học viên này sẽ tham gia chương trình TTS kỹ năng và chương trình Kỹ sư làm việc trong các công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, học hỏi kỹ thuật, phương pháp quản lý, quy trình công nghệ, rèn luyện tác phong chuyên nghiệp. Hết hợp đồng, đội ngũ này trở về tiếp tục làm việc cho các công ty Nhật tại Việt Nam, áp dụng những kỹ năng, khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất đã được học vào công việc và cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển các ngành sản xuất cũng như nền công nghiệp phụ trợ trong nước. 

Với quy trình và định hướng cách làm trên, Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật Việt - Nhật đã và đang góp phần cải thiện tình trạng 5 không: Không nghề; Không ngoại ngữ; Không kỹ năng; Không tác phong; Không kỷ luật của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đúng như chiến lược XKLĐ mà nhà nước đã đề ra. 

Các xí nghiệp của Nhật Bản nhờ có nguồn nhân lực trẻ từ Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế sản xuất. Vì vậy, Esuhai trở thành mẫu hình cầu nối Việt – Nhật trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vào chuyển giao công nghệ cũng như trở thành kiểu mẫu thực hành kinh doanh Nhật - Việt tốt tại Việt Nam. 

Ngoài công việc đào tạo và phái cử chúng tôi đặc biệt quan tâm đến quá trình các em sang Nhật làm việc và trở về nước nên chúng tôi đã thiết lập Văn phòng liên lạc tại Nhật Bản với quy mô 15 chuyên viên tư vấn để hỗ trợ cho TTS sau khi sang Nhật làm việc. Hỗ trợ cho các em khi gặp những khó khăn trong công việc và cuộc sống, đồng thời hỗ trợ các em tham gia các kỳ thi năng lực cũng như liên tục định hướng các em trở về nước làm việc gì phát triển nghề nghiệp như thế nào?

10. Trong trường hợp doanh nghiệp không có văn phòng đại diện ở nước sở tại thì rất bất lợi cho người lao động. Ở đây, ông có khuyến cáo gì với người lao động trước khi tham gia thị trường lao động Nhật Bản cần tìm đến những doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn như thế nào?

Ông Lê Long Sơn: 

Trước tiên, người lao động phải có cái nhìn sơ lược về thị trường lao động mà mình đang định tham gia bằng cách tìm hiểu thông tin từ các nguồn chính thống như website của Bộ, Sở, ngành, báo chí.... Sau đó, liên hệ trực tiếp với các công ty XKLĐ để tiếp cận đầy đủ, chính xác nhất những thông tin liên quan cần thiết. Một số tiêu chí quan trọng đảm bảo một doanh nghiệp XKLĐ được cho là chất lượng, uy tín mà người lao động có thể tham khảo lựa chọn như: Doanh nghiệp đó phải được nhà nước cấp phép và được Bộ LĐ-TBXH, Hiệp hội XKLĐ, các ban ngành đoàn thể đánh giá cao, xếp hạng cao về chất lượng đào tạo, phái cử và hỗ trợ người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài; Có quá trình xây dựng, phát triển nhiều năm và có nhiều đối tác nước ngoài tiếp nhận người lao động đến làm việc; Hàng năm đưa số lượng lớn, ổn định và tăng dần đều lao động đi làm việc ở nước ngoài; Có mức phí XKLĐ hợp lý, minh bạch cho người lao động và không phát sinh chi phí linh tinh trong quá trình đào tạo, phái cử; Có cơ sở vật chất đào tạo tốt, sạch sẽ, chuyên nghiệp, hiện đại theo tiêu chuẩn của Nhật Bản; Là doanh nghiệp nhận được phản hồi tốt từ phía khách hàng và đặc biệt doanh nghiệp ấy trở thành địa chỉ mà chính những lao động đã đi làm việc chọn để giới thiệu cho bạn bè, đồng nghiệp hay người thân xung quanh khi họ có nhu cầu đi XKLĐ…

11. Từ cuối năm 2016, Nhật Bản vừa thông qua Luật mới về việc kéo dài thời hạn lưu trú cho các Thực tập sinh đến 5 năm thay vì 3 năm như trước đây. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Chính phủ Nhật Bản đang dự kiến sẽ tăng gấp đôi số lượng Thực tập sinh làm việc tại nước này. Đây là cơ hội việc làm tại Nhật Bản đang mở ra cho người lao động Việt Nam, vậy hiện tại ngành nghề, công việc nào đang được tuyển dụng nhiều, thưa ông?

Ông Lê Long Sơn: 

Trong những năm gần đây, Nhật Bản đang gia tăng tuyển dụng thực tập sinh nước ngoài, và đặc biệt là Việt Nam. Trong năm 2016 Nhật Bản tiếp nhận gần 40,000 người, và năm 2017 này dự báo có thể nâng lên con số 50,000 người. Riêng công ty Esuhai trong năm 2017, dự báo có thể khai thác được khoảng gần 2000 vị trí việc làm tại Nhật Bản theo chương trình Thực tập kỹ năng.

Hiện tại TTS nước ngoài tới thực tập trong 74 nhóm ngành nghề, 133 loại hình công việc, Các ngành nghề, công việc đang được tuyển dụng nhiều gồm có: Cơ Khí/Liên quan cơ khí, Chế biến thực phẩm và Xây dựng/Trang trí nội thất, Thủy hải sản, Lắp ráp điện tử, Ép nhựa, Nông nghiệp, In, May mặc…và thời gian tới các ngành nghề ngày càng được mở rộng như: điều dưỡng, lâm nghiệp,…

13. Đó là cơ hội việc làm rất tốt cho người lao động, sau 3-5 năm làm việc, ngoài khoản tích lũy thì người lao động có kinh nghiệm nghề nghiệp, vốn ngoại ngữ như thế nào?

Ông Lê Long Sơn: 

Ngoài khoản tài chính tích lũy khoảng 400 – 500 triệu thì người lao động có kinh nghiệm làm việc, giao tiếp trực tiếp với người Nhật, trực tiếp đứng trong dây chuyền sản xuất sản phẩm thực tế của Nhật, quan sát, nắm bắt tâm lý, văn hóa, tác phong làm việc và sinh hoạt của người Nhật. Môi trường xung quanh các bạn toàn liên quan đến Nhật: xem sách báo, xem phim, giao lưu văn hóa lễ hội địa phương… Ở các địa phương thường có mở trung tâm dạy tiếng Nhật miễn phí cho người nước ngoài vào cuối tuần. Các bạn có thể học tiếng Nhật mọi lúc mọi nơi, quan trọng là ở chính các bạn thôi. Chúng tôi luôn khuyến khích học viên của mình đăng ký tham gia các kỳ thi mà Nhật Bản tổ chức dành cho người nước ngoài như: Kỳ thi năng lực Nhật ngữ, Kỳ thi viết văn, nói chuyện, thi tay nghề… Thông qua các cuộc thi như vậy, các bạn có thể nâng cao năng lực tiếng Nhật, chuyên môn và thể hiện được tài năng của mình, tình cảm của mình đối với mọi người xung quanh, đối với những người đã giúp đỡ và đối với đất nước, và con người Nhật Bản - nơi các bạn sẽ sống.

14. Ông có thể cho ví dụ những Tu nghiệp sinh đã thành công? Họ đã khởi nghiệp và lập nghiệp từ vốn kiến thức, tài chính tích lũy từ quá trình làm việc ở nước ngoài?

Ông Lê Long Sơn: 

Một số gương điển hình có thể kế đến như: Nguyễn Ngọc Trung - Giám đốc công ty TNHH Liên Doanh Cơ khí Chính Xác Okutomi-Nguyễn, Nguyễn Ngọc Hiếu - Giám đốc công ty TNHH V.N.T Việt Nam, Lê Hoàng Anh - Giám đốc công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Tanoi, Đặng Văn Tài - Giám đốc công ty TNHH Công Nghệ TTN Technology… Họ đều là những doanh nhân có xuất phát điểm là lao động xuất khẩu; Đều là những người nuôi ước mơ khi còn trẻ, lao động hết mình, tranh thủ học hỏi mọi lúc mọi nơi khi ở Nhật cũng như Việt Nam. Đây là niềm tự hào của Esuhai mà không phải doanh nghiệp XKLĐ nào cũng có được.

15. Thực tế cho thấy, chúng ta đang lãng phí nguồn nhân lực lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài (ở nhiều thị trường) về rất khó tìm được việc làm hoặc khởi nghiệp tại Việt Nam? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Lê Long Sơn: 

Ngoài đào tạo thì định hướng trước xuất cảnh là việc làm rất quan trọng mà các công ty XKLĐ nên đầu tư. Chính người lao động cũng phải nhận thức một cách đúng đắn giá trị, ý nghĩa đích thực của việc đi XLKĐ. Đi không chỉ để kiếm tiền mà đi là để khởi động, để học hỏi, trải nghiệm, tích lũy cho ngày trở về thêm mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn và phát triển hơn, trước tiên là cho chính bản thân mình, sau đó là cho gia đình, cho thế hệ con em của mình và sau đó là cho xã hội. Trách nhiệm của Cty XKLĐ là rất lớn trong việc đào tạo và định hướng hậu XKLĐ cho ứng viên trước khi đi.

16. Bản thân Esuhai có định hướng, chiến lược rõ ràng như thế nào để Tu nghiệp sinh nhận thức được quá trình Tu nghiệp là bước đệm quan trọng cho phát triển nghề nghiệp của họ trong tương lai? 

Ông Lê Long Sơn: 

Ngay từ đầu vào, Esuhai chú trọng chiêu mộ, tuyển chọn những ứng viên có nhiệt huyết, có tác phong, có trình độ, có kiến thức, chuyên môn. Từ đây, Esuhai ngoài việc đào tạo tiếng Nhật trong làm việc còn tiến hành một chương trình đào tạo mang tên ODEN với nội dung giảng dạy đáp ứng đến từng nhu cầu chi tiết của công ty tiếp nhận, chặt chẽ về ngôn ngữ, văn hóa tác phong, kỷ luật, ý thức thái độ đối với công việc và cuộc sống, định hướng phát triển kỹ năng làm việc, khơi gợi khát khao, ý chí, tư duy lập nghiệp và tố chất của người làm chủ… cho học viên trước xuất cảnh. Vì vậy, chương trình đưa người Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản của Esuhai được xem là loại hình XKLĐ “tinh” tức là đã qua đào tạo chứ không còn là XKLĐ đơn thuần như nhiều đơn vị vẫn làm.

17. Đi làm việc ở nước ngoài hay Tu nghiệp sinh đã và đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn để lập nghiệp. Trước khi kết thúc chương trình hôm nay, điều ông muốn gửi tới các bạn trẻ đang mong muốn tham gia sự lựa chọn này là gì?

Ông Lê Long Sơn: 

Một thanh niên khi bước vào tuổi 20 thì cần bắt đầu phải tự lập. Để đến khi bước vào tuổi 30, tuổi của một người lớn trưởng thành bắt đầu phải sống có trách nhiệm với con cái, cha mẹ, ông bà thì phải có nghề nghiệp ổn định, thu nhập khá, có được vốn sống phong phú, tầm nhìn mở rộng và trở thành một người trụ cột của gia đình và xã hội. Như vậy, chúng ta chỉ có đúng 10 năm để học tập, trải nghiệm để nâng cao năng lực bản thân và tìm kiếm được một nghề nghiệp ổn định cho tương lai ở trong gi. Chính vì vậy trong giai đoạn từ 20 đến 30 là độ tuổi rất đẹp để bôn ra ra nước ngoài, những nước tiên tiến để làm việc, học tập, trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm sống, nâng cao những năng lực cần thiết cho tương lai. Chúng ta hãy xây dựng một mục tiêu cụ thể và quyết tâm thực hiện nó. 

Thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng. Nếu đã lựa chọn thì các bạn hãy sống hết mình với sự lựa chọn ấy. Tận dụng tốt cơ hội việc làm tại Nhật Bản để phát triển nghề nghiệp tương lai các bạn nhé!

BTV: Nhà nước, Chính phủ, Bộ LĐTB&XH đã xem XKLĐ là một chiến lược quốc gia để phát triển lao động Việt Nam. Hiện Bộ LĐTB&XH đang xây dựng đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025”. XKLĐ có trình độ kỹ thuật là hướng đi mới, nâng cao vị thế của lao động Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hơn hết, XKLĐ không chỉ đơn giản là giảm thất nghiệp, chống thất nghiệp, tăng thu nhập mà còn góp phần đào tạo ra một thế hệ thanh niên có ngoại ngữ, có kỹ thuật, có kỷ luật lao động, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Nếu thế hệ trẻ phát huy đúng cơ hội một cách triệt để sẽ trở thành những sứ giả cầu nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, tiến tới chuyển giao kỹ thuật công nghệ sản xuất vào Việt Nam. Vì vậy, các bạn hãy xem 3 năm, 5 năm ở Nhật là giai đoạn khởi động làm quen với môi trường công nghiệp và là quá trình rèn luyện để trở thành nguồn lực nòng cốt phát triển công nghiệp sản xuất và vươn mình khởi nghiệp, trở thành những người làm chủ tại Việt Nam trong tương lai./.

tin cùng chuyên mục
scroll top