05/05/2014
8672
0
Biết hoài nghi để học hiệu quả hơn

Hoài nghi là động lực của suy nghĩ. Có suy nghĩ mới giải quyết được vấn đề. Giải quyết được vấn đề mới tiến bộ. Học tập chính là tuân theo quá trình nhận thức ấy. Vậy ta phải bắt đầu từ đâu để có được hoài nghi tích cực, có lợi cho việc học tập.

Tự hỏi và tự trả lời

Trong học tập, có nhiều bạn nghĩ rằng mình đã hiểu bài, nhưng khi ai đó đặt ra câu hỏi thì không thể trả lời được một cách rõ ràng. Điều đó chứng tỏ ta chưa thật sự hiểu bài, chưa nắm vững vấn đề. Vì vậy, khi học một vấn đề nào đó, chúng ta nên tích cực hoài nghi, suy nghĩ, nghiền ngẫm về nó, càng nhiều càng tốt, cho đến khi thấu đáo, thông suốt mới thôi...

Đó cũng chính là con đường dẫn đến thành công của các nhà khoa học vĩ đại trên thế giới. Albert Einstein (1879-1955) từng nhấn mạnh: “Học kiến thức phải giỏi suy nghĩ, suy nghĩ, lại suy nghĩ. Chính nhờ cách ấy tôi đã trở thành nhà khoa học”. 

Còn George Iles (1852-1942) thì quả quyết: “Hoài nghi không phải là kết thúc mà là khởi đầu của tri thức”.

Albert Einstein

Trên thực tế, có không ít học sinh, thậm chí cả sinh viên đại học cảm thấy không thể đặt ra câu hỏi, không có gì để hỏi, càng không muốn hoài nghi. Vậy phải làm sao? Chúng ta bắt đầu từ chỗ không biết, rồi tiến đến hoài nghi, từ hoài nghi mới dần dần có nghi vấn.

Muốn có nghi vấn, trước tiên chúng ta phải có một số vốn tri thức nhất định. Vốn tri thức này không đâu xa, đó chính là những kiến thức bạn đã tích lũy dần qua thời gian học tập. Có điều là bạn phải tự tin để khai thác nó.

Tóm tại, cần tích cực suy nghĩ, không nên chủ quan nghĩ rằng: Tôi đã hiểu cả rồi! Đã là người đi học, chúng ta cần phải luôn đề ra câu hỏi: Vì sao? Như thế nào? Có thể như thế không?... 

Nếu như những câu hỏi như vậy cứ được liên tục đặt ra đối với nhiều vấn đề khác nhau và được tự trả lời hoặc được giải đáp thì người học không những hiểu sâu mà còn nhớ rất lâu vấn đề đã học.

Từ hoài nghi đến thảo luận, tranh luận

Hoài nghi là tiền đề của thảo luận, tranh luận. Có thảo luận, tranh luận vấn đề mới được giải quyết, chân lý được sáng tỏ. Thảo luận, tranh luận còn thể hiện sự bình đẳng, tiến bộ trong học tập cũng như trong nghiên cứu khoa học. Ở đây, chúng ta chỉ đề cập tới việc thảo luận, tranh luận các vấn đề trong bài học mà thôi.

Trong giờ học ở lớp, khi giáo viên khuyến khích cả lớp thảo luận, tranh luận thì nhiều bạn ngại giơ tay phát biểu, sợ nói sai sẽ bị bạn bè cười chê. Các bạn không nên ngại phát biểu. 

Học là một quá trình phát triển từ chưa biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều, từ biết chưa đầy đủ đến biết đầy đủ hơn. Nếu trong quá trình đó, yêu cầu mình không nói sai thì làm sao tiến bộ trong học tập được. 

Ngay cả các nhà thông thái, bác học… cũng có lúc mắc sai lầm, huống hồ mình là học sinh, sinh viên!? 

Horace Wailpole (1717-1797) từng nói một câu chí lý rằng: “Trong tất cả các môn khoa học, sai lầm đi trước sự thật, và tốt nhất nó nên đi đầu tiên hơn là đi cuối cùng.”


Tóm lại, trong quá trình học tập các bạn nên luôn tự hỏi và tự trả lời, mạnh dạn hoài nghi, tích cực tham gia thảo luận, tranh luận để làm sao việc học của mình trở nên thú vị, sôi nổi, bổ ích và hiệu quả.

Hoài nghi là cha đẻ của phát minh” - Galileo Galilei

Theo báo điện tử Một Thế Giới

scroll top