Với 20 năm kinh nghiệm làm việc với các đối tác Nhật, đồng thời trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực nhân sự, thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn chia sẻ với các bạn Thực tập sinh những trải nghiệm nghề nghiệp của chính mình giúp các bạn nắm bắt nhu cầu và tâm lý tuyển dụng của nhà tuyển dụng Nhật Bản để các bạn có sự chuẩn bị tốt trước kỳ phỏng vấn.
Nhà tuyển dụng cần gì?
Với nhà tuyển dụng không có gì quan trọng hơn là tìm đúng người làm đúng việc. Những ứng viên nổi bật về học vấn, bằng cấp chưa hẳn đã là ứng viên nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng. Một ứng viên có sức khỏe tốt và có năng lực phù hợp với công việc là điều nhà tuyển dụng cần nhất. Do đó, trong mỗi cuộc phỏng vấn nhà tuyển dụng luôn mong muốn hiểu ứng viên không chỉ ở góc độ năng lực trong công việc mà còn cả về con người và tính cách.
Các Thực tập sinh có thể tự đánh bóng mình qua một bài “Jikoshoukai” (Giới thiệu bản thân) hoàn hảo, thể hiện nhiều ưu điểm trước nhà tuyển dụng nhưng sẽ không thể tiếp tục làm điều đó khi tiếp nhận công việc thực tế. Sự không phù hợp bị che giấu dưới những mỹ từ của bài “Jikoshoukai” sẽ sớm bộc lộ trong công việc. Hậu quả là cả nhà tuyển dụng và ứng viên đều không cảm thấy hài lòng và vui vẻ.
Với nhà tuyển dụng, một cuộc phỏng vấn tuyển dụng thành công chỉ khi nhà tuyển dụng tìm đúng người và ứng viên tìm đúng việc. Để đạt được hiệu quả như vậy nhà tuyển dụng cần nghe những câu trả lời thực tế từ ứng viên. Họ hoàn toàn không mong muốn phải đọc những bản CV và nghe những bài “Jikoshoukai” đánh bóng bản thân từ ứng viên.
Thực tập sinh cần làm gì?
Trong giờ Oden trước phỏng vấn, thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn luôn cho các bạn những lời khuyên vô cùng thiết thực: “Các em hãy xem lần phỏng vấn này là lần đầu tiên các em đi phỏng vấn xin việc. Trước nhà tuyển dụng Nhật Bản, các em không có gì hơn ngoài vốn tiếng Nhật chưa thạo và ưu điểm trong tính cách. Hãy thuyết phục họ bằng những điều các em thực sự có. Đồng thời, hãy chia sẻ với nhà tuyển dụng về mục tiêu và mục đích của các em khi sang Nhật làm việc. Nhưng để chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn đầy thuyết phục, các em phải tự trả lời câu hỏi điểm mạnh của bản thân là gì? Mục tiêu và mục đích đi Nhật của các em là gì?”
Hiệu trưởng Lê Long Sơn nhận xét thêm: “Thế hệ trẻ của các em lười đào sâu và suy ngẫm về bản thân mình. Trước một câu hỏi về chính bản thân các em như ưu điểm của các em là gì? Các em còn khá mơ hồ. Mục đích của những giờ học Oden là để các em có thời gian nhìn nhận, suy ngẫm về chính mình.”
Các bạn Thực tập sinh tham dự buổi Oden trước phỏng vấn hào hứng chia sẻ với thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn những câu chuyện về sự cố gắng và nỗ lực của mình trong cuộc sống, học tập và làm việc để thầy Lê Long Sơn giúp các bạn đưa ra nhận định, đánh giá ưu điểm của chính các bạn.
Học viên Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ: “Em học ngành sửa chữa ô tô nhưng nhận thấy những kiến thức ở trường thiếu tính thực tiễn nên em xin vào làm việc ở xưởng ô tô với mức lương 300 nghìn/tháng. Em vẫn tiếp tục vừa học vừa làm dù công việc khá vất vả vì em nghĩ mục đích học nghề với em thời điểm đó quan trọng hơn mục đích kiếm tiền.”
Học viên Vũ Chí Thanh chia sẻ: “Vào năm nhất Đại học vì muốn tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, em xin vào làm việc cho một xưởng cơ khí không lương 3 tháng đầu. Sau đó, chủ xưởng trả em mức lương 50 nghìn/ngày em vẫn tiếp tục làm cho đến năm cuối em xin nghỉ để đi Nhật nâng cao tay nghề.”
Thầy Lê Long Sơn nhận xét: “ Hai em đều có điểm tương đồng về tinh thần học hỏi, tính độc lập, hiểu rõ mục đích và mục tiêu của bản thân, kiên trì, chịu khó trong công việc. Với chia sẻ này thầy tin rằng em sẽ là những ứng viên được nhà tuyển dụng chú ý.”
Học viên Thạch Bảo Trung: “Em đã từng làm việc cho xưởng sửa chữa ô tô của hãng taxi A. Vào thời điểm công việc kinh doanh của hãng gặp khó khăn, một số nhân viên trong xưởng tỏ ra bất mãn. Nhưng bản thân em khi chưa biết rõ việc gì đang xảy ra, em đã luôn kiên định và tin tưởng. Đồng thời, em là người luôn biết lắng nghe, hiểu tâm lý của người khác, khi được giao việc em xác nhận lại để biết bản thân có đủ khả năng đảm nhiệm không?”
Thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn dành những lời khen ngợi cho tính trung thành với công ty, tính cẩn thận trong công việc, đặc biệt là nguyên tắc xác nhận trong khi làm việc của học viên Bảo Trung.
Thầy nhắc nhở thêm: “Các em nên dành thời gian suy ngẫm và chọn lọc những điểm mạnh giúp ích cho công việc và có một ví dụ thiết thực để nhà tuyển dụng nhìn thấy sự nổi bật đó của các em. Trung thành với công ty, cẩn thận và luôn xác nhận chắc chắn việc được giao là những ưu điểm vô cùng cần thiết trong môi trường làm việc tại Nhật Bản. ”
Bên cạnh việc giúp các bạn nhìn nhận ưu điểm của bản thân, thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn còn nhấn mạnh: “Hãy trình bày với nhà tuyển dụng mục tiêu và mục đích sang Nhật làm việc của các em một cách cụ thể và chân thực để giúp nhà tuyển dụng có thể hiểu được nguyện vọng cũng như con người các em, không nên nói chung chung, khái quát. Nhưng các em nên hiểu rằng nhà tuyển dụng đồng ý tuyển các em bởi các em là ứng viên phù hợp vì thế, các em phải ý thức được trách nhiệm với công việc và hãy thể hiện điều đó với nhà tuyển dụng.”
Thuyết phục nhà tuyển dụng trong nước là một nhiệm vụ không hề dễ dàng với một ứng viên chưa có kinh nghiệm và ngoại ngữ, nhiệm vụ đó càng khó khăn hơn khi phỏng vấn trực tiếp với những nhà tuyển dụng đến từ Nhật Bản. Nói thế không có nghĩa đây là nhiệm vụ bất khả thi, nếu các bạn chuẩn bị một bản CV và bài “Jikoshoukai” chi tiết, có tính hoạch định đồng thời trong buổi phỏng vấn, bạn thể hiện sự tự tin, mục tiêu công việc cụ thể trước nhà tuyển dụng, bạn sẽ thành công.