19/02/2016
23229
0
Câu chuyện quả táo thần kỳ của Kimura

ESO - Quả táo của Kimura là quả táo thần kỳ nhất thế giới, bởi khi quả bị cắt làm đôi và để trong không khí hai năm, vẫn không hư thối. Chẳng khoa học nào có thể giải thích được điều này, khi đằng sau nó là những trải nghiệm và bài học cảm động của một người làm nghề “gieo quả”.

Người làm nghề gieo trồng ấy là Akinori Kimura, chuyên trồng táo của Nhật Bản. Sau 20 năm chiêm nghiệm cuộc đời thông qua việc trồng trọt, ông cho ra đời cuốn sách, “Trong cuộc đời này, ít nhất hãy một lần làm kẻ ngốc”. Dĩ nhiên, đây không phải là cuốn sách về kỹ thuật nông lâm nghiệp, mà là nguồn khích lệ ý chí, bởi nó gợi lên nhiều điều đáng suy ngẫm, và đôi khi khiến ta bật khóc.


“Tên ngốc” Kimura là một người nông dân Nhật Bản bình thường, sau khi kết hôn, do vợ bị dị ứng với thuốc trừ sâu, lại tình cờ tiếp xúc được với cuốn sách “Tự nhiên nông pháp”, thế là ông đã hạ quyết tâm trồng táo không cần phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.

Điều này đi ngược với sự phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay, vốn đã hoàn toàn ỷ lại vào nông dược, cây táo càng không ngoại lệ.  Chính vì thế, việc ngừng sử dụng nông dược đối với cây trồng nói chung và cây táo nói riêng, chính là một tai họa lớn.

Do đó, từ khi bắt đầu thử nghiệm, mảnh ruộng duy nhất của ông cũng bị cầm gán nợ. Ông buộc phải lên thành thị làm công. Con gái của ông viết trong bài tập làm văn rằng ba của tôi là một nông dân, nhưng tôi chưa từng được nếm qua trái cây nhà trồng.

Và khi định từ bỏ, con gái lại chính là người đã động viên ông, “Ba ơi, nhất định phải kiên trì, nếu không những gì chúng ta đã làm chẳng phải phí công hay sao?”.

20 năm sau, quả táo của Kimura trở thành trái cây thần kỳ nhất thế giới. Quả táo của ông khi được cắt làm đôi và để trong không khí 2 năm, vẫn không hư thối, mà chỉ khô héo rũ hết hương. Các chuyên gia lắc đầu không thể tưởng tượng nổi. Đầu bếp trưởng nhà hàng Tokyo ở Pháp cho biết, nếu xử lý tốt quả táo của Kimura, thì người ta có thể để đến một năm. Quả táo của ông ngon đến nỗi toàn bộ người Nhật Bản đều tranh nhau thưởng thức, “cả đời chỉ cần được ăn một lần là tốt rồi”.

Kimura cả đời chỉ làm một việc, đó là trồng táo. Điều ông làm dường như chỉ ngốc một lần, nhưng thật ra là ngốc cả đời.

Không cần thuốc trừ sâu và phân hóa học, không diệt trừ cỏ, muốn trồng táo căn bản là điều không thực tế. Ngốc hơn nữa, ông còn xem quả táo như con của mình, và thường xuyên tâm sự với chúng.



Vườn táo của ông Kimura

Kimura nói: “Tôi là dựa vào trồng táo mà sống, tôi sở dĩ khốn cùng như vậy là vì tôi đã để táo thống khổ, là tôi đã ức hiếp những cây táo này”. Vì vậy, Kimura thường xuyên khẽ vuốt ve và xin lỗi chúng, “Khiến các ngươi vất vả như vậy, ta thật sự xin lỗi. Cho dù không nở hoa cũng không vấn đề gì, không kết quả cũng không sao cả, nhưng các người ngàn vạn lần đừng chết nhé!”.

Cây lớn lên không ra quả, ông luôn cảm giác bản thân đã sai. Mười năm trôi qua, ông không biết mình xin lỗi cây táo bao nhiêu lần. Đương nhiên, có lúc ông cũng cổ vũ khích lệ cây, “Thật quá kỳ diệu, ta biết ngươi đã rất cố gắng.”

Năm đầu tiên nở hoa, Kimura vui đến phát khóc, ông mang theo rượu trắng đến vườn cây, rót một ít lên mặt đất, cùng táo đối ẩm.

Sau khi thành công, khi đối diện với vô vàn tán dương, Kimura lại tự giễu: “Có thể vì tôi quá ngu ngốc, cây táo cũng không chịu nổi, đành kết quả rồi.”

Bí quyết trồng táo của Kimura là gì? Tôi cho rằng chính là xem cây táo như một sinh mệnh để đối đãi.

Kimura từ đầu đến cuối đều tin rằng: “Quả táo là nhân vật chính, tôi chỉ là trợ giúp nó lớn lên, vì con người dẫu cố gắng thế nào cũng không cách nào chỉ dựa vào bản thân mà khiến quả táo ra hoa kết quả”.

Vì vậy, nếu chỉ vì để cây táo ra hoa kết quả mà thúc ép nó bằng đủ phương cách phản tự nhiên, làm cỏ, bón phân, phun thuốc, như vậy hiệu quả và lợi ích là không thể phủ nhận, nhưng quả được tạo ra cũng không phải là quả tự nhiên, sau khi trổ, gặp gió liền hỏng.

Triết lý trồng quả của Kimura cũng giống như việc giáo dục một đứa trẻ.


Phụ huynh và thầy cô giáo hao tốn tâm sức để tạo đủ loại môi trường học tập tốt nhất cho trẻ. Việc làm cỏ giống như việc tịch thu máy tính, cấm sách ngoài khóa học,…Tóm lại, hết thảy điều gì không quan hệ với học tập thì hoàn toàn cấm. Bón phân giống như đủ loại lớp học thêm, nào là dạy chính khóa, học thêm bên ngoài, thậm chí mời thầy về nhà một kèm. Phun thuốc giống như đủ loại thuyết giáo, giáo dục đạo đức, những câu chuyện về sự chăm chỉ, huấn luyện dã ngoại, phụ đạo tâm lý…đều giúp con trẻ tập trung tinh lực, hướng tới trường thi.

Quả táo của Kimura khác với quả táo khác, bởi một cây táo bình thường, bộ rễ cũng chỉ sâu 2-3m, nhưng cây táo của Kimura có thể sâu đến 20m.

Rễ sâu, liên kết giữa quả và lá cũng càng có lực. Một khi gặp bão, quả táo của người ta cơ bản đều bị thổi rơi, trong khi vườn cây của Kimura có đến 80% trái cây vẫn còn trên cành.

Những tháng ngày cây táo không nở hoa, Kimura cùng mọi người trong nhà ra vườn bắt côn trùng. Côn trùng nhiều vô cùng, mỗi ngày bắt được hàng trăm hàng ngàn con, nhưng số lượng vẫn không giảm. Cho đến một ngày, Kimura đột nhiên hiểu ra một đạo lý: Cây táo cũng muốn sống sót vậy! Côn trùng khắp nơi đều có, chỉ có thể để cây táo tự kiên cường hơn, mới có thể chống lại sự xâm hại của côn trùng.

Vườn trái cây của Kimura là một thế giới côn trùng phong phú, đủ loại vi sinh vật thiên địch. Lúc cây không ra quả, vườn trái cây càng giống một vườn thực vật, với đủ loại cỏ dại sinh sôi, ngoại trừ cây đậu nành mà Kimura cố ý gieo trồng.

 


Kimura gieo trồng đậu nành từ một lần ngẫu nhiên tình cờ. Vào thời điểm gặp khó khăn, ông quyết định leo lên núi tìm cái chết. Sau khi lên đến đỉnh núi, ông vô tình phát hiện một gốc cây tươi tốt, kết đầy trái.

Trên núi cũng có côn trùng xâm hại, tại sao loài cây này có thể sinh trưởng tốt như thế? Thông qua quan sát, Kimura phát hiện, bùn đất nơi đây không giống đất nhà ông, độ xốp, không khí, độ ấm, thậm chí mùi đất cũng khác. Tâm trí ông chợt thông suốt, đất đai mới thật là điểm cốt yếu cho việc gieo trồng táo, cây táo và thiên nhiên hòa cùng một thể, nhân loại ngu muội lại dùng nông dược ngăn cách nó với tự nhiên.

Thông qua vô vàn thử nghiệm, ông gieo trồng rất nhiều đậu nành trong vườn, cải thiện hàm lượng phân đạm trong đất, cũng khiến vi sinh vật trong đất phong phú hơn.

“Không có bất kỳ sinh mệnh nào là cô lập”, Kimura nói, “Cây táo không thể, con người cũng không thể”.

Hết thảy hình thức giáo dục, nếu tách cá nhân ra khỏi xã hội, nền giáo dục như vậy nhất định sẽ không có sức sống. Giáo dục chính là cuộc sống, xã hội chính là trường học. Chế độ giáo dục hiện nay chẳng phải cũng giống người ta ỷ lại vào nông dược hay sao?

Kimura trở thành chuyên gia gieo trồng cây ăn quả. Tuy vậy, trong vườn của ông, các loại cây quả, đủ loại thực vật tùy ý sinh trưởng, chỉ là đến mùa thu sẽ cắt cỏ, để cho độ ẩm của đất giảm xuống, “Để nói cho cây táo rằng mùa thu đã đến”. Ông không cần phân bón, mà đất vẫn có thể bảo trì tốt độ phì nhiêu.

Thế giới hôm nay tràn đầy nông dược,  lý luận lợi ích và hiệu quả, có bao nhiêu người kiên trì đến mười năm chỉ để đợi cây táo nở 7 đóa hoa? Đây cũng là ý chí của Kimura, giống như cây táo của ông, kiên định, bất chấp trải qua gian nan vất vả để nhận lấy mùi hương thơm nồng và ngọt ngào. Nhà khoa học hàng đầu Nhật Bản, cũng là người giám đốc NHK (đài phát thanh truyền hình Nhật Bản) là ông Mogiken Ichiro chia sẻ về ý chí dường như ngu ngốc này, ” Họ có được ánh mắt và niềm tin có thể nhìn đến điều không thể nhìn thấy”.

Cả đời này, ít nhất trở nên ngốc một lần, đó chính là dụng tâm chuyên chú làm một việc gì đó. Trồng táo cũng vậy, giáo dục cũng vậy, làm chuyện gì cũng đều như vậy.

Điều này chẳng phải cho thấy, “Làm việc chính là làm lại chính mình”. Sau vô số lần cường điệu sự gian nan của hoàn cảnh khách quan, chúng ta cần nhìn lại nội tâm của mình, giống như tâm sự của Kimura và cây táo: “Thật sự quá thần kỳ rồi, ta biết ngươi đã rất cố gắng.”

Ngành nghề mà thế giới này cần có nhất để liên kết tình cảm chính là giáo dục. Qua việc trồng cây táo, chúng ta thừa nhận là một loại kỹ thuật trong cuộc sống, vậy đầu tư tình cảm liệu có cần thiết không?

Trong 4-5 năm đầu, mỗi ngày Kimura đều vuốt ve chừng 800 cây trong vườn, nói chuyện với chúng. Đó là thời điểm tình hình cây táo trở nên tệ nhất, một vài cây cũng bắt đầu dao động, thậm chí vừa đẩy nhẹ liền ngã.

Có người giễu cợt ông, nhưng ông vẫn không quan tâm. Trong nội tâm ông tràn đầy sự áy náy, ông cảm thấy ông đã đẩy những cây kia vào đáy vực.

Điều kì lạ hơn nữa là những cây táo được Kimura cầu xin chúng sống tốt, một phần trong số ấy cuối cùng vẫn tồn tại. Có một khu vực có gần 82 cây, ông không nói chuyện gì với chúng; và số cây này toàn bộ héo rũ.

Chuyên nghiệp là gì vậy? Kimura trả lời: “Tâm kết hợp với kỹ thuật, mới thật sự là chuyên nghiệp”.

Có người nói quả táo của Kimura khác với những quả táo khác, cho rằng quả táo của Kimura có tình cảm. Hay, đó là những quả tảo tràn đầy “sinh mệnh lực”. Chúng không chỉ là sinh mệnh của quả táo, mà còn là sinh mệnh của Kimura.


Theo daikynguyenvn.com

scroll top