Các công ty tại Nhật Bản đang cần rất nhiều thực tập sinh (TTS) Việt Nam. Đó là chia sẻ của đại diện các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản với phóng viên Báo Người Lao Động khi họ có mặt tại Việt Nam để tìm kiếm nguồn TTS cho DN mình. Đi cùng họ là Hiệp hội Hợp tác lao động quốc tế (IRO).
Chuộng thực tập sinh Việt Nam
Ông Saikawa Osamu, Tổng Giám đốc Công ty Crest-Alpha, cho biết các DN Nhật Bản khan hiếm nhân lực từ nhiều năm qua. Song, nhờ có chính sách TTS nên các DN Nhật Bản đã có lời giải cho bài toán nhân lực của mình.
"Nhìn chung, các TTS đến từ Việt Nam khá ổn. Họ hòa nhập rất nhanh, làm việc chăm chỉ, ham học hỏi và rất siêng năng. Sự hiện diện của các TTS Việt Nam sẽ tạo thêm động lực cho DN, giúp chúng tôi yên tâm mở rộng quy mô kinh doanh cũng như có thêm nhiều khách hàng mới. Quan trọng hơn, chúng tôi muốn thấy một lực lượng lao động có tay nghề được rèn luyện tại Nhật Bản về cống hiến cho đất nước Việt Nam" - ông Osamu bày tỏ.
Một công ty Nhật trực tiếp phỏng vấn thực tập sinh tại Công ty TNHH Esuhai
Ông Katsuaki Suga, Chủ tịch IRO, cho biết: "Hiệp hội chúng tôi là cầu nối giữa các công ty phái cử lao động của Việt Nam với các DN cần TTS của Nhật. Nếu như các công ty phái cử làm nhiệm vụ tạo nguồn, gồm cả đào tạo, để TTS đủ điều kiện sang Nhật thì nhiệm vụ của chúng tôi là bảo đảm điều kiện cho họ sống, làm việc, học tập tại Nhật. Chúng tôi sẽ bảo vệ TTS trong mọi trường hợp và phối hợp làm việc chặt chẽ với các công ty phái cử để giải quyết những phát sinh có thể xảy ra trong quá trình TTS ở Nhật".
Theo ông Yuzo Sasaki, Giám đốc nguồn nhân lực Công ty TF-METAL, DN của ông trước đây tiếp nhận nhiều TTS đến từ Indonesia. Thế nhưng, cách đây 5 năm, TTS Việt Nam hiện diện trong DN của ông ngày càng nhiều. Đến nay, các công ty thành viên của TF-METAL đã tiếp nhận hơn 300 TTS Việt Nam và họ có kế hoạch tuyển nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Với những gì mà TTS Việt Nam đang thể hiện tại TF-METAL, ông Yuzo Sasaki khẳng định hiện DN chỉ tiếp nhận TTS đến từ Việt Nam. Ông cũng kỳ vọng sẽ đào tạo được đội ngũ nhân viên giỏi nghề để có thể đảm đương công việc đó ngay tại Việt Nam khi công ty mở chi nhánh ở đây.
Cơ hội rèn giũa tay nghề
Ông Yuzo Sasaki cho biết phần lớn TTS mong muốn có được mức lương cao và đây là suy nghĩ thiển cận. Thế nhưng, khi sang Việt Nam, tìm đến Công ty TNHH Esuhai và trực tiếp phỏng vấn các TTS ở đây, ông Sasaki rất hài lòng với cách tổ chức đào tạo rất chuyên nghiệp của DN này.
"Như ý nghĩa của chương trình TTS, chúng tôi cần những người không phải đến Nhật Bản chỉ để kiếm tiền mà muốn thấy họ thành công hơn trong sự nghiệp sau khi về nước. Giá trị của một TTS không nằm ở số tiền họ tiết kiệm được bao nhiêu mà nằm ở khả năng phát huy được những gì đã học tập ở Nhật để về đóng góp cho quê hương" - ông Yuzo Sasaki nhìn nhận.
Lo ngại lớn nhất của các DN Nhật Bản khi tiếp nhận TTS Việt Nam là vấn đề bỏ trốn. Tuy tỉ lệ bỏ trốn rất ít nhưng cũng có vài trường hợp do chưa được trang bị đầy đủ đã vi phạm hợp đồng. "So với TTS các quốc gia khác, TTS Việt Nam được lòng các DN Nhật Bản nhất, cũng ít bỏ trốn nhất. Bỏ trốn do nhiều nguyên nhân nhưng việc chưa được đào tạo kỹ lưỡng trước khi qua Nhật là điều chúng tôi muốn nhấn mạnh" - ông Katsuaki Suga nói.
Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, cho biết để đưa được một TTS sang Nhật Bản không hề đơn giản. Để tránh những hệ lụy không đáng, DN Nhật mong muốn các công ty phái cử phải làm thật tốt việc đào tạo TTS, sao cho họ gần như quen với môi trường làm việc, môi trường sống của Nhật khi còn ở Việt Nam.
"Ngoài việc tuyển chọn kỹ từ nguồn, chúng tôi phải mất từ 8 tháng đến hơn 1 năm để đào tạo TTS mới đáp ứng đủ điều kiện mà phía Nhật đưa ra. Từ việc học tiếng Nhật đến cách thức làm việc, văn hóa DN, văn hóa ứng xử của Nhật cũng phải được học một cách nghiêm túc. Đặc biệt, các chế độ dinh dưỡng kiểu Nhật cũng được đào tạo để TTS có nền tảng thể lực tốt như người Nhật. Quan trọng hơn, chúng tôi dạy TTS lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn, tính trung thực và ý chí vươn lên. Các em phải cảm thấy tự hào khi được học tập và làm việc trên đất Nhật là vì tương lai ở Việt Nam" - ông Sơn nhấn mạnh.
Ông NODA KATSUYA, đại diện Hiệp hội Hợp tác lao động Neo Cluster (NCCA): Xử lý doanh nghiệp phái cử làm ăn chụp giật Theo quy định, mỗi hiệp hội hợp tác lao động Nhật Bản chỉ được làm việc với 5 công ty phái cử lao động Việt Nam, điều này hạn chế phần nào việc đưa TTS đến Nhật. Nếu được làm việc với nhiều công ty phái cử hơn, tôi nghĩ sẽ có nhiều cơ hội cho lao động trẻ của Việt Nam đến Nhật. Mặt khác, nhà nước Việt Nam nên quan tâm, kiểm soát chặt chẽ các công ty có chức năng phái cử TTS sang Nhật để họ làm tốt hơn nhiệm vụ của mình. Kiên quyết loại bỏ những công ty phái cử chỉ làm việc vì lợi nhuận mà quên đi những giá trị lâu dài của TTS. Vài công ty đã phái cử sang Nhật những TTS chưa đủ chuẩn. Điều này gây khó khăn cho chúng tôi và cũng gây khó khăn cho chính bản thân TTS đó bởi họ khó hòa nhập với công việc và cuộc sống tại Nhật khi chưa có sự chuẩn bị. |
Bài và ảnh: Giang Nam - Báo Người Lao Động.