Công nữ Ngọc Hoa được xem là người Việt Nam đầu tiên đến định cư tại Nhật Bản, thậm chí nhiều người Nhật còn cho rằng bà là người nước ngoài đầu tiên lấy chồng Nhật và định cư tại đây.
Đầu thế kỷ 17, trong số thương gia nước ngoài đến buôn bán ở Hội An có một thương gia người Nhật tên là Araki Sotaro. Ông vốn xuất thân là một samurai (võ sĩ đạo), sau đó mới chuyển sang nghề buôn và trở thành một thương gia giàu có. Thời kỳ này, Nhật Bản bắt đầu mở cửa và tiến hành giao thương với nước ngoài, tuy nhiên chỉ duy nhất cảng Nagasaki được cho phép tham gia vào hoạt động giao thương này mà thôi. Khi đó, thông qua thuyền Châu Ấn, thương gia Araki Sotaro đã dẫn đầu các thương gia Nhật Bản đến Việt Nam giao thương.
Sau nhiều đóng góp cho Đàng Trong trong việc chống Đàng Ngoài thông qua việc buôn bán nhiều vật tư và khí giới cho quân đội, ông dần nhận được sự tín nhiệm của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, được giao cho nhiều trọng trách ở Hội An. Đặc biệt, ông được chúa Nguyễn cho phép đặt họ theo chúa, với tên tiếng Việt là Nguyễn Thái Lang.
Năm 1619, tại Huế, ông đã gặp Công nữ Ngọc Hoa, người con gái nuôi xinh đẹp của chúa Sãi. Sau một thời gian vun đắp tình cảm, hai người được chúa Sãi chấp thuận cho tiến tới hôn nhân.
Năm 1620, Công nữ Ngọc Hoa theo chồng về Nagasaki, tại đây bà được người dân chào đón và yêu mến nhờ vẻ ngoài xinh đẹp và tính tình hiền hòa dễ thương của mình.
Tên tiếng Nhật của bà là Okakutome, tuy nhiên do thói quen gọi chồng là “anh ơi” nên mọi người gọi với cái tên thân mật là Anio-san, trong tiếng Nhật từ Anio phát âm gần giống với từ mà bà thường hay dùng để gọi chồng (cũng có cách diễn giải khác là Anio vốn là phiên âm của từ Hán Việt là A Nương, nghĩa là cô nương). Sau này, các cô gái dễ thương tại Nagasaki cũng dần được gọi là Anio-san.
Công nữ Ngọc Hoa đã tham gia giúp chồng trong quản lý công việc tại Nagasaki. Năm 1636, ông Sotaro qua đời, một mặt bà Ngọc Hoa tiếp tục công việc quản lý sổ sách tại cơ sở kinh doanh của chồng, mặt khác cho thúc đẩy quan hệ giao thương với nhà Nguyễn.
Vai trò của bà quan trọng đến mức từ sau khi bà mất vào năm 1645, việc giao thương giữa Việt Nam và Nhật Bản lúc bấy giờ cũng đã bị gián đoạn trong một thời gian dài. Người dân địa phương nói rằng, bà Ngọc Hoa thậm chí còn được yêu quý hơn cả chồng của bà, không chỉ vì bà nổi tiếng là một người phụ nữ xinh đẹp, một người vợ thủy chung mà còn là do bà thường xuyên giúp đỡ người dân trong việc buôn bán với Việt Nam.
Ngày nay, hằng năm tại Nagasaki đều có tổ chức một lễ hội tên là Okunchi (từ ngày 7-9 tháng 10) ngoài nhằm mục đích tôn vinh sự giao thương của người Nhật với nước ngoài còn nhắc nhở mọi người về đóng góp của vợ chồng thương nhân Araki Sotaro. Tại lễ hội, đám cưới của hai ông bà được tái hiện lại với hình ảnh hai đứa bé ngồi trên chiếc thuyền buôn. Bé trai mặc Yukata đại diện cho ông Sotaro, bé gái mặc áo dài Việt Nam đại diện cho công nữ Ngọc Hoa.
Để tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, khoa học, công nghệ và những điều thú vị khác của đất nước mặt trời mọc, các bạn hãy tham gia những chương trình tại KaizenYoshidaSchool để trau dồi tiếng Nhật cho mình một cách tốt nhất. Gọi liền Hotline (028) 777.96.222 để được tư vấn ngay hôm nay bạn nhé!