06/04/2013
10636
0
Quýt – trái cây vàng của Nhật Bản

Quýt là loại trái cây có múi được người Nhật trồng nhiều ở những vùng có khí hậu ấm áp ven biển Thái Bình Dương và bán đảo Seto. Mỗi năm, nông dân Nhật Bản thu hoạch khoảng 1 triệu tấn quýt, gần phân nửa sản lượng này có nguồn gốc từ 3 tỉnh Wakayama, Ehime và Shizuoka.

Tháng 5, cây quýt bắt đầu ra hoa trắng cả vườn. Đối với những vườn quýt trồng ngoài trời, thời gian trái chín và thu hoạch kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12. Hiện nay, nhiều nông dân trồng quýt trong nhà kính, với phương pháp canh tác này, cây quýt chỉ cần trồng trong 1 năm là có thể cho trái.

Quýt Nhật Bản có vị ngọt thanh và màu vàng tươi đẹp mắt. Để có được điều đó, ngoài yếu tố giống, người nông dân đã bỏ công chăm sóc rất vất vả. Trước thời điểm cây quýt ra hoa, nông dân bắt đầu công đoạn tỉa cành cho những thân cây nào quá rậm rạp. Đến khi quýt cho trái non, người ta tiếp tục loại bỏ những trái không đạt yêu cầu. Việc làm này giúp cây giảm bớt gánh nặng nuôi trái đồng thời giúp những trái quýt còn lại phát triển tốt hơn.

Trái quýt no tròn, nhiều nước, vỏ vàng óng ánh không chỉ nhờ được cung cấp đạm đầy đủ mà còn phụ thuộc vào ánh nắng mặt trời. Sự thông thoáng giúp lá cây dễ quang hợp, ánh nắng được hấp thu qua lá, tạo ra các chất hóa học để nuôi trái. Các chất này giúp trái quýt phát triển và làm gia tăng độ ngọt.

Khi thu hoạch quýt phải thực hiện theo cách thủ công, nông dân dùng kéo cẩn thận cắt từng trái quýt. Quýt sau khi thu hoạch sẽ được tập hợp lại và vận chuyển về nhà máy để tiếp tục xử lý. Tại đây, quýt được phân loại trên dây chuyền tự động hóa. Dây chuyền trang bị máy móc hiện đại để có thể xác định trọng lượng và đánh giá màu sắc của từng trái quýt. Hệ thống máy tính sẽ hiển thị các thông số của mỗi trái quýt đi qua dây chuyền. Dựa vào đó, người ta biết được có tổng cộng bao nhiêu trái quýt, trọng lượng và màu sắc của từng trái. Từ sự chăm sóc và thu hoạch cẩn thận của nông dân đến công đoạn tuyển chọn khắt khe, những trái quýt đến tay người tiêu dùng đã đạt được độ hoàn hảo về hình dáng bên ngoài cũng như chất lượng bên trong.

Người Nhật thích ăn quýt tươi vừa mới mua về hay những trái quýt được ủ lạnh dưới lớp tuyết mùa đông. Nước quýt ép được dùng để nấu cơm, cơm quýt là nguyên liệu trong món sashimi cá sống hay món sushi quýt.

Từ xa xưa, người ta đã dùng quýt để làm thuốc và hương liệu. Trần bì tức vỏ quýt phơi khô là vị thuốc phổ biến trong y học phương Đông. Ngoài công dụng làm thuốc, trần bì còn được người Nhật dùng làm gia vị.

Quýt cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm đẹp, các cô gái trẻ có thói quen tắm trong nước cónhững quả quýt tươi. Họ cho rằng vitamin C và mùi thơm của quýt giúp tinh thần sảng khoái và làn da mịn màng.

Ngôi đền Kitsumoto Jinja tọa lạc tại tỉnh Wakayama thờ một nhân vật mà cư dân địa phương gọi là Tajimamori. Truyền thuyết kể rằng, Nhật hoàng Meirei đã ra lệnh cho Tajimamori đi tìm 1 loại trái cây kỳ diệu có khả năng giúp trường thọ. Nhưng khi Tajimamori đem quả quý về thì Nhật hoàng Meirei đã qua đời. Theo dân gian, quả quý đó là trái quýt ngày nay.

Người Nhật ví màu vàng của quýt như ánh mặt trời giúp xua tan những điều xấu, mang lại may mắn và niềm vui. Quýt mà Tajimamori mang về được đặt tên là Kunenbo có nghĩa là Quýt Vua – một giống quýt có hạt.

Hiện nay, quýt không hạt là loại trái cây có múi đặc trưng của Nhật Bản. Nhưng ngày xưa, vào thời Edo, thế kỷ 17, loại quýt này được cho là mang đến điềm xấu, không ai muốn canh tác. Theo thời gian, thực tế chứng minh quan niệm trên là sai lầm do vậy đến giai đoạn cuối thời Edo, đầu thời Minh Trị, tức giữa thế kỷ 19, quýt không hạt được trồng rộng rãi và tiêu thụ mạnh trong dân chúng. NgườiNhật gọi giống quýt có màu vàng đẹp mắt và vị ngọt của họ là Unshu mikan.

Sau Chiến tranh Thế giới Thứ 2, người dân Nhật Bản thiếu ăn do tổn thất từ cuộc chiến. Các khu vườn trồng quýt được thay thế bằng những luống khoai lang và khoai tây để cung cấp lương thực cho dân chúng. Sản lượng quýt giai đoạn này sụt giảm nghiêm trọng.

Đến những năm 1960, kinh tế Nhật Bản phát triển bùng nổ, cuộc sống dư dả kéo theo nhu cầu của người dân tăng cao. Họ muốn ăn ngon và quýt là một trong những loại trái cây theo mùa được lựa chọn nhiều nhất. Diện tích trồng quýt được phục hồi.

Do cung không đáp ứng đủ cầu nên giá quýt unshu mikan vào thời điểm đó rất cao. Chúng được mệnh danh là những viên kim cương màu cam.

Không chỉ chi phối thị trường trái cây trong nước, quýt unshu mikan còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Tại Canada, quýt Nhật Bản là trái cây được ưa thích nhân dịp Giáng sinh. Họ gọi chúng là Quýt Satsuma, đó cũng là tên của tỉnh Satsuma, nơi chuyên xuất khẩu quýt sang phương Tây.

Tuy nhiên, thời vàng son của trái quýt unshu mikan đã kết thúc. Năm 1972, thông tin về quýt rớt giá, nông dân phá sản hàng loạt và bị thiệt hại nặng dù trúng mùa, tràn ngập trên các mặt báo. Nhiều nông dân đã phải đổ bỏ hàng tấn quýt sau khi thu hoạch do không thể cạnh tranh nỗi với những trái cây cùng loại được nhập khẩu từ nước ngoài.

Không thể ngồi yên, nông dân và cả giới khoa học Nhật Bản đã hành động. Họ ứng dụng nhiều phương pháp canh tác và kỹ thuật mới để giúp tạo ra những trái quýt ngọt hơn, màu sắc đẹp hơn, rút ngắn thời gian cho trái và tăng sản lượng. Phản ứng mau lẹ này của họ đã bắt kịp xu thế thay đổi của thị trường. Hiện nay, quýt Nhật Bản đã trở lại với một tư thế vững chắc, tuy không chiếm lĩnh hoàn toàn thị phần trong nước nhưng unshu mikan là một trong những loại trái cây có giá cao.

Các nhà khoa học đã góp phần tạo nên sự phong phú cho thế giới các loại quả có múi khi cho lai tạo một số trái cây mới. Đó là trường hợp của giống quýt Dekopon. Dekopon có nguồn gốc khá phức tạp. Trước tiên, người ta ghép quýt satsuma với cam ngọt Trovita để tạo ra giống quýt Kiyomi. Tiếp tục kết hợp quýt kiyomi với giống quýt Ponkan để cho ra quýt dekopon. Dekopon là thế hệ cháu của quýt satsuma và cũng là quýt unshu mikan nổi tiếng.

Dekopon sở hữu những đặc điểm nổi trội của các giống quýt có trước. Vỏ rất dễ lột, hàm lượng đường trong múi quýt cao, tép quýt căng mọng nước và có màu vàng óng ánh. Quýt dekopon ra đời tại Nhật Bản vào năm 1972 do Trung tâm nghiên cứu cây ăn trái của tỉnh Nagasaki lai tạo. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên đến hơn 10 năm sau, giống quýt này mới được mang ra trồng thí điểm.

Theo THVL

scroll top