25/11/2014
4140
0
Thiên đường hòa bình ở thành phố Hiraizumi, tỉnh Iwate

Hiraizumi nằm cách thủ đô Tokyo đến 450km về phía Bắc nhưng đi bằng xe lửa cao tốc từ Tokyo đến thành phố này chỉ mất khoảng 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Nằm ở phía Nam của tỉnh Iwate, thành phố Hiraizumi hiện có số dân khoảng 8.500 người. Hình ảnh đầu tiên hiện ra khi đến với Hiraizumi là vẻ đẹp của những cánh đồng lúa trải dài. Nơi đây nổi tiếng với các loại gạo chất lượng cao.

Cách đây khoảng 900 năm, Hiraizumi là nơi duy nhất có sự phát triển được ví ngang tầm với thủ đô Heian-kyo của Nhật Bản, tức thành phố Kyoto ngày nay. Hiraizumi nổi tiếng với nhiều ngôi chùa ẩn mình giữa những khu vườn tuyệt đẹp với cây cối xanh mát.

Vùng đất này trở nên thịnh vượng trong thời cai quản của dòng họ Fujiwara vào thế kỷ XII. Quần thể kiến trúc đền đài, chùa chiền, vườn cây và các di tích khảo cổ trước đây do dòng họ này dựng lên đã giúp Hiraizumi được Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào tháng 6/2011.

Chùa Chuson-ji là một trong những di sản văn hóa ở Hiraizumi. Điện thờ Konjiki-do thể hiện đỉnh cao sự tinh xảo của các thợ thủ công tài hoa và nhắc đến một truyền thuyết kể rằng, Nhật Bản là đất nước của những kho vàng. Toàn bộ phần kết cấu của điện thờ Konjiki-do, trừ phần mái, được làm từ vàng nguyên chất. Những họa tiết trang trí bằng vàng và hoa văn khảm xà cừ tạo nên vẻ tráng lệ cho điện thờ. Đây là một trong các kiến trúc kiệt tác của thế kỷ thứ XII ở Nhật Bản và là một trong số ít công trình Phật giáo bọc vàng đẹp nhất, lộng lẫy nhất trên thế giới.

Chùa Chuson-ji

Chùa Chuson-ji, được xây dựng dưới thời của Fujiwara no Kiyohira, lãnh chúa đầu tiên của dòng họ Fujiwara. Ông qua đời một cách thanh thản và ngôi mộ của ông được đặt dưới các bức tượng Phật tại gian thờ chính trong chùa Chuson-ji, theo ước nguyện trước khi mất.

Mochi là bánh dày truyền thống của Nhật Bản. Loại bánh này được làm từ bột gạo và có ý nghĩa là mang lại sự may mắn. Bánh Mochi còn là vật cúng không thể thiếu của các gia đình Nhật Bản vào dịp năm mới và những lễ hội khác. Có nhiều cách để chế biến món bánh này, vì thế, có đến hơn 150 loại bánh Mochi khác nhau. Mochi có thể được ăn chung với tôm, thịt gà…

Mỗi món Mochi có một thứ tự ăn riêng mà chúng ta phải tuân theo. Món đầu tiên được đặt ở góc dưới bên trái của mâm và các món kế tiếp sẽ được đặt theo chiều kim đồng hồ. Thực khách phải ăn hết món này rồi mới được ăn món kế. Nếu gia vị của một món Mochi còn đọng lại trong miệng thì các bạn ăn dưa chua để tráng miệng rồi ăn tiếp món kế.

Có đến 150 loại bánh Mochi khác nhau

Kiểu mẫu trang trí bánh Mochi truyền thống dùng trong dịp Năm mới

Hiraizumi là một trung tâm của nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản. Washi là một loại giấy được làm bằng tay truyền thống của Nhật Bản. Washi thường được sản xuất từ vỏ của một trong 3 loại cây bản địa là Kozo, Mitsumata và Gampi. Cách làm ra giấy này được tin là bắt nguồn từ những người ở của các lãnh chúa dòng họ Fujiwara. Sau khi dòng họ này sụp đổ, những người ở đó đã đến sống ở miền núi và dựa vào nghề làm giấy vốn có của mình. Tại Hiraizumi hiện nay chỉ còn 2 gia đình làm giấy washi thủ công.

Người thợ thủ công sử dụng cây Kozo để làm ra giấy washi. Hiraizumi là một vùng đất có khí hậu thích hợp để cây Kozo phát triển tốt. Thớ gỗ là phần cứng cáp nhất và cũng là phần được sử dụng nhiều nhất để làm giấy washi. 

Giấy Washi

Đến Hiraizumi, thật thú vị khi được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp tráng lệ của điện thờ Konjiki-do làm bằng vàng và hiểu thêm về lịch sử của một số nghề truyền thống. Và một điều quan trọng nữa là khi đến Hiraizumi, chúng ta có được cảm giác của một vùng đất thanh bình, một thiên đường hòa bình.

Theo thvl.vn

scroll top