05/03/2015
4746
0
Hina Matsuri - Ngày vui của các bé gái Nhật Bản

Ngày hội này bắt nguồn từ trò chơi búp bê Hina Asobi (雛遊び) từ thời Heian, cách đây khoảng hơn 1000 năm. Tháng 3 cũng là thời điểm mà hoa đào Momo nở rộ khắp nơi. Ở quốc gia này, hoa đào Momo không chỉ là loài hoa của mùa xuân mà còn có ý nghĩa tượng trưng cho sự duyên dáng, mềm mại và ôn hòa của người phụ nữ. Vì vậy, Hina Matsuri còn được gọi là Momo - no - sekku (桃の節句) với một ý nghĩa cầu mong sức khỏe cho các bé gái ở thời điểm hiện tại cùng với mong ước các cô bé sẽ trở thành những người phụ nữ có một cuộc sống hôn nhân viên mãn trong tương lai.

1. Búp bê trưng bày - Hina Ningyo ( 雛人形)

Trong tiếng Nhật, “Hina” (雛) có nghĩa là búp bê nhỏ. Ban đầu búp bê Hina thường được cắt từ giấy hoặc nặn từ đất sét. Từ thời Heian (794-1185) bắt đầu xuất hiện búp bê đứng Tachibina (立ち雛) . Đến thời Muromachi (1333-1568) thì xuất hiện loại búp bê ngồi Suwaribina (座り雛). Tuy nhiên, đến những năm giữa thời Edo (1600-1868 ) thì loại búp bê trưng bày trong ngày hội búp bê, Hina ningyo, mới ra đời. Hina Ningyo được xem là búp bê Hoàng gia, được chế tạo rất công phu và tỉ mỉ khiến giá trị của chúng được nâng lên rất nhiều so với các loại búp bê bình thường khác. Hiện nay, Hina ningyo có hai loại chính là Kimekomi Ningyo  (木目込み人形 ) và Ishochaku Ningyo (衣装着人形). Kimekomi có y phục được dán vải hoặc khắc trực tiếp trong khi đó y phục của Ishochaku thì được làm riêng. Tuy vậy, các Hina Ningyo đều được phục trang lộng lẫy theo phong cách hoàng tộc thời Heian. 

2. Trò chơi búp bê - Hina Asobi (雛遊び)

Vào thời Heian, trò chơi búp bê Hina Asobi chỉ phổ biến trong các gia đình hoàng tộc. Do ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa, người Nhật cũng cho rằng búp bê là một hình nhân thế mạng để loại bỏ mọi điều không may trong cuộc sống. Do đó, sau khi trò chơi kết thúc, các búp bê sẽ được thả trôi sông để vứt bỏ bệnh tật và điềm rủi trong cuộc sống của các bé gái. Tục lệ này có tên là Nagashibina (流し雛). Trong giai đoạn này, búp bê không chỉ thuần túy là đồ chơi mà còn là biểu tượng của thần linh, giúp con người tránh khỏi tai ương, bệnh tật và các thế lực xấu. Đến thời Edo, khi Hina Asobi bắt đầu phổ biến đến mọi tầng lớp trong xã hội thì thợ làm búp bê bắt đầu xuất hiện. So với các búp bê làm bằng giấy và đất sơ sài của thời Heian, ở thời kỳ này, kỹ thuật làm búp bê có trang phục cầu kỳ, phục vụ cho các lễ hội thực sự phát triển và đạt đến độ tinh xảo ở mức cao nhất. 

nagashibina

Ngày nay, tục thả búp bê không còn phổ biến như trước nhưng không hẳn là đã mất hẳn. Ở một số địa phương như tỉnh Tottori tục lệ này vẫn được tổ chức. Các bé gái xúng xính trong những bộ kimono đặt búp bê trên một chiếc thuyền nhỏ bện bằng rơm và thả trên sông với mong ước chiếc thuyền đó sẽ mang đi mọi điều xui xẻo và mang lại cho mình sức khỏe và  nhiều may mắn trong năm mới.

3. Kệ bày búp bê - Hinadan(雛壇)

 Kệ bày búp bê đầy đủ nhất có 5 hoặc 7 bậc; 15 búp bê Hina Ningyo được trưng bày trên  một tấm nhung đỏ. Ở bậc cao nhất là 2 búp bê Dairi (内裏) đại diện cho Thiên hoàng và Hoàng hậu. Nếu nhìn từ chính diện thì Thiên hoàng ở tay trái và Hoàng hậu ở tay phải. Trước mặt 2 búp bê Dairi thường có hai lọ hoa đào và hai đĩa bánh dày Hishi-mochi (菱餅 ) , một loại bánh dày hình kim cương. Tầng tiếp theo là 3 búp bê Nữ quan Sannin Kanjo (三人官女). Tầng này cũng được trưng bày bánh dày nhưng là loại bánh dày hình tròn Maru-mochi (丸餅). Tầng thứ ba là tầng trưng bày 5 búp bê Nhạc công cung đình Gonin Bayashi (五人囃子) trong đó có 1 ca sĩ cầm quạt, 1 người thổi sáo và 3 người chơi trống. Tầng thứ  tư là 2 búp bê Đại thần Daijin (大臣) và  tầng thứ năm là 3 búp bê Lính cận vệ Eji (衛士) có nhiệm vụ bảo vệ cho Thiên hoàng và Hoàng hậu. Hai  bậc cuối cùng thường dùng để trang trí một số đồ vật như cỗ xe cung đình Goshoguruma (御所車 ), kiệu rước Okago (御駕籠 ) và hộp đựng thức ăn nhiều tầng Jubako (重箱 ). Ngoài ra, bức bình phong Byobu (屏風 ), hai cây đèn giấy Bonbori (雪洞 ),  rượu ngọt Shirozake (白酒 ), bánh gạo tẩm đường Hina Arare (雛あられ ) và hoa đào Momo (桃 ) là những thành phần không thể thiếu trong một kệ bày búp bê. 

4. Niềm vui trong ngày hội

Đối với các bé gái, Hina Matsuri là dịp để các em họp mặt bạn bè, cùng  trang trí búp bê và chia sẻ bộ sưu tập búp bê của mình. Sau đó, các em cùng nhau tham dự một buổi tiệc nhỏ gồm những món ăn truyền thống tốt cho sức khỏe như cơm đậu đỏ Sekihan, bánh dày Hishi-mochi, rượu ngọt Shirozake và các loại bánh kẹo hình trái cây đủ màu sắc v.v.. Trắng, xanh, hồng là các màu sắc tượng trưng cho sự tươi sáng của mùa xuân nên rất được ưa chuộng trong những buổi tiệc nhỏ này. 

Bánh dày Hishi-mochi

Trong các gia đình Nhật Bản, Hina ningyo được giữ gìn, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một báu vật gia truyền. Ở một số gia đình thượng lưu, một bộ búp bê còn là một phần của hồi môn cho cô dâu. Kệ bày búp bê cũng trở thành niềm tự hào của một gia tộc. 

Rõ ràng là không chỉ riêng ở Nhật Bản, trẻ em ở quốc gia nào cũng được xã hội và gia đình dành  nhiều yêu thương và kỳ vọng. Nhưng với Hina Matsuri, bất kỳ ai quan tâm đến văn hóa Nhật Bản đều có thể cảm nhận được chút gì đó rất đặc biệt. Dù chỉ là một ngày hội dành cho các bé gái nhưng Hina-Matsuri chính là sự giao hòa giữa thiên nhiên tươi đẹp với ước vọng bình an của con người. Đó hẳn là một khát vọng muôn đời của dân tộc Nhật Bản.

Theo www.kilala.vn

scroll top