07/07/2015
5601
0
Lễ hội thất tịch - Tanabata Matsuri

Bước vào tháng 8, khi tiết trời không còn oi bức như những ngày hè của tháng 5 và tháng 6, nhiều người Nhật vẫn mong chờ một cơn mưa mát mẻ sẽ rơi vào ngày 7 tháng 7 âm lịch. Tương truyền cơn mưa đó là những giọt nước mắt của chàng chăn bò Hikoboshi và tiên nữ Orihime khi cả hai gặp lại nhau sau một năm dài xa cách. Câu chuyện tình yêu của Hikoboshi và Orihime không khác nhiều so với câu chuyện của Ngưu Lang và Chức Nữ quen thuộc với người Việt Nam. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, vào ngày 7 tháng 7 âm lịch, người ta không chỉ nhắc đến tình yêu của Hikoboshi và Orihime mà còn chào đón một ngày hội với nhiều hoạt động đậm yếu tố bản địa có tên gọi là “Tababata Matsuri”.



Từ Tanabata Tsume đến Tanabata Matsuri

Vốn là một quốc gia đề cao sự tồn tại của thần linh trong vạn vật, truyền thuyết Nhật Bản có kể lại rằng, hàng năm mỗi ngôi làng sẽ chọn ra một trinh nữ để ngồi bên khung cửi Tanabata(棚機) dệt những tấm lụa đẹp nhất dâng lên thần linh. Tấm lụa đó chính là món vật thể hiện thành ý của con người khi thần linh đến thăm.

Đến thời Nara (710-784), khi văn hóa Trung Hoa bắt đầu du nhập vào Nhật Bản, người Nhật cũng có một  truyền thuyết về Orihime và Hikoboshi. Orihime (織姫)là con gái của Ngọc Hoàng. Nàng dệt cửi và thêu thùa rất khéo. Khi đến tuổi dựng vợ gả chồng, Ngọc Hoàng cho nàng sánh duyên cùng chàng chăn bò Hikoboshi (彦星)sống ở phía bên kia dải Ngân Hà. Tuy nhiên, sau khi lấy nhau, cả hai vợ chồng mải mê vui chơi bỏ bê công việc. Ngọc Hoàng nổi giận, ban lệnh chia cách hai người. Vì quá đau buồn nên cả hai đều lâm bệnh. Trước tình cảnh đó, Ngọc Hoàng cho phép hai người mỗi năm gặp nhau một lần vào ngày 7 tháng 7 âm lịch. Dịp lễ tôn vinh hai chòm sao Ngưu Lang và Chức Nữ cùng với câu chuyện tình của họ đã được giới quý tộc cung đình đón nhận và gọi là Kikkoden (乞巧奠) . Các nữ quý tộc trong cung đình thời Heian (784-1185 ) đã kết hợp Kikkoden với truyền thuyết về Orihime và Hikobosi để tổ chức một ngày hội cúng sao với mong ước trở thành những người phụ nữ khéo léo cả nữ công gia chánh lẫn trong lĩnh vực nghệ thuật và thư pháp. Từ đó,  tuy tên gọi của lễ hội được viết theo chữ Hán là "Thất tịch" ( tức là "Đêm mồng 7") nhưng với ý nghĩa đề cao tính bản địa, lễ hội được gọi là "Tanabata" đồng âm với từ "Khung cửi" của cô gái dệt lụa trong truyền thuyết của dân tộc Nhật Bản.
Tuy xuất hiện từ thế kỷ 8 nhưng mãi đến thời Edo (1600-1868), Tanabata Matsuri mới được phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp khác trong xã hội.

Nhành tre xanh với những mảnh giấy ước nhiều màu sắc là một trong những đặc trưng của lễ hội Tanabata.

Vào ngày lễ hội, người Nhật viết mong ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc Tanzaku rồi treo lên cành trúc trước cửa nhà để cầu khấn Orihime sẽ giúp họ khéo léo hơn trong công việc may vá, viết chữ đẹp cũng như mong muốn Hikoboshi sẽ mang đến cho họ những vụ mùa bội thu và sự thịnh vượng. Đặc biệt, đối với trẻ em, Tanabata Matsuri là một ngày hội lớn. Ở trường và ở nhà, bọn trẻ sẽ cùng nhau trang trí cho các cành trúc mà ở đó chúng sẽ treo những mảnh giấy ghi rõ mơ ước của mình.

Tanabata Matsuri ở thành phố Sendai

Ngày nay, từ ngày 6 đến ngày 8 dương lịch, Tanabata Matsuri được tổ chức ở nhiều nơi trên toàn quốc. Trong đócó 3 thành phố tổ chức Tanabata lớn nhất là Sendai (tỉnh Miyagi), Hiratsuka (tỉnh Kanagawa) và Anjou (tỉnh Aichi). Sendai chính là thành phố nổi tiếng bởi thảm họa kép ở vùng Đông Bắc (Tohoku) ngày 11 tháng 3 năm 2011 vừa qua.

Hàng năm, có hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến với Sendai trong dịp Tanabata Matsuri. Người dân địa phương gọi lễ hội này bằng một cái tên thân mật và được nhân cách hóa là Tanabata-san nghĩa là anh (chị) Tanabata.  Hơn nữa, với những ảnh hưởng tiếp thu từ Phật giáo, người Nhật mong chờ Tanabata không chỉ như là một dịp vui chơi trong những ngày hè mà còn xem đó là dịp tưởng nhớ ông bà tổ tiên, những người đã qua đời vì thiên tai cũng như hi vọng vào một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai. Tanabata cũng là bước chuẩn bị cho một lễ hội Phật giáo quan trọng khác cũng được tổ chức trong tháng 8 là lễ Obon.


Với độ cao trung bình từ 5 - 6m, những cột giấy Fukinagashi có 5 năm màu sắc sặc sỡ là biểu tượng đáng nhớ của Lễ hội Tanabata ở Sendai.

Một trong những biểu tượng đáng nhớ của Tanabata ở Sendai là những cột giấy Fukinagashi (吹き流し) với năm màu sắc sặc sỡ được ví như những sợi chỉ may vá của Orihime. Với độ cao trung bình từ 5 - 6m, Fukinagashi là một trong bảy vật trang trí được xem như vật trung gian mang lời cầu  nguyện của con người đến với tổ tiên và thần linh. Vào ngày lễ hội, du khách đến với Sendai không chỉ thích thú với những cột Fukinagashi vui mắt mà còn cảm thấy rộn ràng bởi những tiếng xào xạc của những cột giấy này trong những làn gió mùa hè.

Ngoài Fukinagashi, còn có 6 đồ vật đặc trưng khác được dùng để trang trí trong ngày hội. Đó là bộ quần áo giấy Kamigoromo, giấy Tanzaku, lưới giấy Toami,hạc giấy Orizuru, hộp đựng giấy vụn Kuzukago, ví đựng tiền Kinchaku. Bảy vật trang trí Nanatsu dogu(七つ道具)nói trên thể hiện mong mỏi của  dân tộc Nhật Bản về sự tiến bộ trong kỹ thuật may vá, nghệ thuật thư pháp, sự sung túc trong kinh doanh cũng như sự trường thọ của  mình và người thân.Đồng thời, ngày hội cũng không quên đề cao tinh thần tiết kiệm, vốn là một đặc tính nổi bật của dân tộc Nhật Bản.



Chiếc áo Kimono bằng giấy với họa tiết truyền thống trang trí trong Lễ hội Tanabata ở Sendai.

Tanabata Matsuri tuy không phải là một sự kiện nằm trong các ngày lễ theo quy định quốc gia nhưng lại là một  lễ hội  có tính chất tôn giáo rõ nét. Sư dung hợp hài hòa giữa  tín ngưỡng bản địa Thần đạo cùng với triết lý sâu sắc của Phật giáo đã khiến cho nó trở thành một lễ hội dân gian không thể thiếu của mùa hè Nhật Bản.

Theo Kilala

scroll top