29/07/2015
5086
0
Thời gian và bệnh lười biếng

Không có thước đo sự thành công và giá trị cuộc sống nào chuẩn xác hơn thời gian, cũng không có phương thức đầu tư nào lâu dài và ít rủi ro hơn đầu tư thời gian. Bạn là ai? thành công hay thất bại trong cuộc sống phụ thuộc vào việc bạn làm gì với quỹ thời gian của mình. Mỗi người đều có vốn thời gian 24 giờ/ngày như nhau, đầu tư như thế nào sẽ sinh lợi là tùy thuộc vào quá trình kiên trì theo đuổi và ý chí vượt qua sự lười biếng của mỗi người. “Hãy làm cho năm tháng chứa đầy sự sống chứ đừng để cuộc sống đầy phè những năm tháng.”- Richard David Precht

Đầu tư thời gian

Để thành thạo ngoại ngữ cần thời gian rèn luyện, để tạo mối quan hệ cần thời gian xây dựng,… mỗi giá trị được con người tạo ra đều cần có thời gian. Trong chu kỳ sống của mình chúng ta sở hữu thời gian. Người biết tận dụng thời gian để đầu tư cho bản thân thì trở nên hiểu biết, thành công và hạnh phúc,… Nhưng người lãng phí thời gian thì giết thời gian vô bổ và không chủ đích. 

Trong giờ học Oden, thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn giúp các bạn học viên hiểu giá trị của thời gian: “Trong cuộc sống có người thành công hơn, có người hiểu biết hơn, có người giàu có hơn… nhưng khi quy mọi giá trị được tạo ra về giá trị thời gian thì tất cả chúng ta đều công bằng. Các em chưa thành công, chưa giàu nhưng các em vẫn sở hữu 24 giờ/ngày như bất cứ một người thành công, giàu có và hiểu biết nào trong xã hội. Nhưng cách đầu tư và sử dụng thời gian của mỗi người khác nhau nên giá trị được tạo ra khác nhau. Vì thế mà có người thành công và người thất bại, người giàu và người nghèo… Hãy đầu tư 24 giờ/ngày của các em đúng cách để đạt được những thành tựu các em mong muốn”.

Một giờ tập thể dục tạo ra giá trị về sức khỏe, một giờ đọc sách tạo ra giá trị về tri thức, một giờ thảo luận về chuyện kinh doanh sẽ lóe lên một ý tưởng… Nếu biết đầu tư thời gian đúng cách dù là để nghỉ ngơi hay giải trí, thời gian cũng sẽ tạo ra giá trị. Nhưng thay vì đầu tư thời gian một số bạn trẻ đang giết thời gian bằng vô số cách vô bổ: chơi game thâu đêm suốt sáng, ngồi lê la quán xá hàng giờ,… buông thả bản thân để thời gian chết đi một cách vô ích thay vì chuyển đổi thành một giá trị hữu ích.

Không những giết thời gian của chính mình mà chúng ta còn ăn cắp thời gian hữu hạn 8 tiếng đồng hồ ở nơi làm việc để thỏa mãn thú vui của bản thân. Thời gian là cơ hội, tiền bạc, doanh số, khen thưởng… Trong 8 giờ làm việc mỗi ngày, nếu nhân viên dùng hết 4 tiếng để lướt facebook, tám chuyện đồng nghĩa công ty mất 4 tiếng tạo ra doanh thu và bản thân nhân viên đó mất 4 tiếng tạo ra cơ hội thăng tiến.

Thời gian làm việc tạo ra tiền, đầu tư tiền và thời gian vào các khóa học tạo ra kiến thức. Tiền cần tái đầu tư mới có thể sinh tiền nhưng đối với kiến thức bản thân nó là nguồn sinh lợi nhuận. Thời gian, tiền bạc đầu tư vào kiến thức là phương thức đầu tư bền vững.

Thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn giúp các bạn trẻ nhận ra rằng chính các bạn đang phung phí quỹ thời gian của chính mình: “Điều đại đa số giới trẻ các em quan tâm không phải là đọc sách, học hỏi, làm việc mà là hưởng thụ, thỏa mãn thú vui nhất thời của bản thân chính vì thế theo bài toán đầu tư các em không chỉ không tạo ra giá trị mà còn bị thua lỗ về mặt thời gian. Thay vì giải trí bằng một cuốn sách, nghỉ ngơi bằng một vòng chạy bộ các em lại phí phạm thời gian vào những cuộc trò chuyện vô bổ. Thông tin trao đổi của các em trong những cuộc tán gẫu đó vô cùng nghèo nàn chính vì thế thời gian của các em không thể sinh ra kiến thức, cơ hội, ý tưởng… mà chỉ mất đi.”

Thời điểm vàng để đầu tư thời gian là từ khi bắt đầu đi học đến lúc kết thúc lộ trình học tập để bước vào lộ trình làm việc. Một công việc xứng đáng với năng lực, tạo ra giá trị cho công ty và đem lại hạnh phúc cho chính mình là  thành quả của quá trình đầu tư thời gian tại thời điểm vàng. Nhưng sở dĩ, các bạn trẻ không tìm được công việc mong muốn, không cảm thấy thành công trong cuộc sống bởi vì họ đã lãng phí 20 năm đầu tư về thời gian. Chức vụ khác nhau, lương khác nhau vì kỹ năng và khả năng làm việc khác nhau. Kỹ năng và khả năng làm việc của mỗi người được tích lũy trong quá trình đầu tư thời gian tại thời điểm vàng.

Thầy Lê Long Sơn khẳng định: “Thời gian là điều kiện cần nhưng thành - bại là do việc các em quyết định sẽ làm gì với thời gian của các em: giết thời gian hay đầu tư thời gian? Các em đã bỏ phí thời điểm vàng trong đầu tư thời gian nhưng không hẳn là đã mất hết cơ hội. Làm việc là cũng cách đầu tư thời gian để thu hoạch kinh nghiệm, mối quan hệ, sự tin tưởng của sếp,… Vì đã trải qua 20 năm đầu tư không đúng cách, nên thầy mong rằng các em sẽ thực sự nghiêm túc cho lần đầu tư thời gian trong quá trình làm việc. Hãy làm việc cho ra làm việc đừng lãng phí thêm 20 năm nữa quỹ thời gian đang càng ngày càng hẹp lại của các em.”


Bệnh lười

Trao đổi cùng thầy hiệu Trưởng Lê Long Sơn, học viên Thắng Esu 126 chia sẻ: “Bản thân chúng em vẫn biết những điều thầy chia sẻ là đúng đắn nhưng không thể vượt qua sự chây lười của chính mình và sức ì của môi trường. Riêng chỉ một việc nhỏ là dậy sớm thôi em phải đặt đồng hồ báo thức nhiều lần và khi thấy mọi người xung quanh chưa dậy em cũng không thể dậy được mặc dù em biết điều đó sai.”

Như một sinh thể sống, thời gian cũng chết vì bệnh - bệnh lười: lười vận động, lười suy nghĩ, lười học, lười làm,… Mầm bệnh lười tồn tại ở trạng thái ủ bệnh trong điều kiện môi trường thiếu động lực, thiếu áp lực sẽ phát sinh. Vì thế, đến sát ngày thi các bạn mới thức khuya học bài, có sếp giám sát mới chịu làm việc, có yêu cầu của cấp trên mới chịu suy nghĩ sáng tạo, có mắc bệnh mới lo rèn luyện sức khỏe,… còn nếu không có áp lực, sự giám sát các bạn sẽ cứ thỏa mãn với căn bệnh lười biếng kinh niên.

Thầy Lê Long Sơn kết luận rằng: “Lười là một loại vi rút dễ lây nhiễm, là bản năng khó vượt qua. Nhưng ý chí trong các em sẽ là kháng thể giúp các em bứt phá khỏi sức ì của môi trường kiềm hãm sự phát triển của bệnh lười. Nhưng để có kháng thể mạnh các em phải rèn luyện.Ý chí càng tăng, bệnh lười càng bị triệt tiêu.

Giáo dục tạo ra môi trường kháng bệnh bằng cách rèn luyện cho các em tính tự giác để miễn nhiễm với virut lười nhưng thế hệ các em lại được sống trong môi trường giáo dục dung dưỡng sự phát sinh của mầm bệnh lười. Cách duy nhất để không mắc bệnh là phòng bệnh: tự tạo ra môi trường tích cực, tự xây dựng cơ chế chống lại sự xâm nhập của virut lười bằng ý chí. Bên cạnh rèn luyện ý chí, tự tạo ra môi trường sống tràn đầy năng lượng tích cực bằng những việc đơn giản như: tạo cho mình thói quen dọn dẹp nhà cửa sạch mát, chơi thể thao, chọn chơi với những người bạn tốt… sẽ cho các em động lực và hứng thú học tập, làm việc.”

Bệnh lười không gây tổn hại về thể chất nhưng người trẻ sẽ “sống mòn” khi bị mắc bệnh. Nhà tuyển dụng nào sẽ tuyển một người lười biếng? Ai sẽ tin tưởng một người lười biếng? Cơ hội nào sẽ đến với một người lười biếng? Bởi vì một người mắc bệnh lười sẽ không thể chủ động đầu tư thời gian, sẽ sống một cuộc sống “đầy phè những năm tháng” mà không có bất cứ một giá trị tốt đẹp nào được tạo ra.


Thời gian quy đổi những giá trị cần cho một cuộc sống thành công và hạnh phúc chỉ khi chúng ta đầu tư rèn luyện và nỗ lực phấn đấu. Lười biếng nuông chiều bản năng hưởng thụ để thỏa mãn những cảm xúc “sung sướng” nhất thời gây trì trệ quá trình chuyển hóa thời gian thành những giá trị hữu ích.

Càng trưởng thành càng cần thành công và hạnh phúc nhưng càng trưởng thành thời gian càng hạn hẹp, chính vì thế càng trưởng thành càng phải triệt tiêu bệnh lười và tăng cường đầu tư thời gian. Đó là ý nghĩa của bài Oden “thời gian và bệnh lười biếng”.

scroll top