26/10/2016
25543
0
Câu chuyện về chiếc đồng hồ

Trong cuốn “117 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Trung tâm thông tin công tác tư tưởng của Ban tuyên giáo Trung Ương xuất bản năm 2007 có giới thiệu một câu chuyện rất ý nghĩa về tình đoàn kết và sự phân công, đó là “Câu chuyện về chiếc đồng hồ”.

 

 

“Năm 1954, các cán bộ tham gia cải cách ruộng đất đang dự hội nghị tổng kết ở Hiệp Hòa (Hà Bắc) để rút kinh nghiệm làm tốt đợt mới ở vùng giải phóng, thì có lệnh Trung ương rút bớt một số người đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai nấy đều háo hức muốn đi. Nhất là những người quê Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ Thủ Đô, nay được dịp về công tác, anh em bàn tán rất sôi nổi. Nhiều người đề nghị cấp trên chiếu cố nỗi niềm riêng đó và cho được toại nguyện. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có chiều phân tán… Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử.

 

Giữa lúc đó thì Bác Hồ đến thăm hội nghị. Hôm đó giữa mùa thu, nhưng trời vẫn còn nóng. Bác bước lên diễn đàn, mồ hôi ướt đầm hai bên vai áo nâu của Bác…Khi tiếng vỗ tay đã ngớt, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi:

 

(Ảnh minh họa)

Các chú có trông thấy cái gì đây không? Mọi người đồng thanh:

- Cái đồng hồ ạ.

- Thế trên mặt đồng hồ có những chữ gì?

- Có những chữ số ạ.

- Những cái kim ngắn, kim dài để làm gì?

- Để chỉ giờ, chỉ phút ạ.

- Cái máy bên trong dùng để làm gì?

- Để điều khiển cái kim chạy ạ.

Bác mỉm cười, hỏi tiếp:

- Thế trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng?

Mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:

- Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?

- Thưa không được ạ.

Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, đều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ…cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì có còn là cái đồng hồ được không?

 

 

Bài học rút ra: Mỗi bộ phận trong chiếc đồng hồ tương ứng với mỗi vị trí, nhiệm vụ của mỗi cá nhân trong tập thể một đơn vị. Mỗi vị trí đều có chức năng, nhiệm vụ riêng biệt đã được phân công để tránh chồng chéo, ôm đồm, mạnh ai nấy làm, ai thích làm gì thì làm… Mỗi cá nhân phụ trách một lĩnh vực hãy gắng thực hiện đúng phần việc, trọng trách của mình và hoàn thành tốt nhất có thể nhiệm vụ của mình. Không câu nệ, không kèn cựa, không cục bộ, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích tập thể từ đó ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chung. Đoàn kết chính là chất kết dính, bôi trơn để bộ máy vận hành tốt và là then chốt của thành công.

 

 

Bài học này không chỉ có giá trị tại Hội nghị đó mà ý nghĩa của nó vẫn luôn tồn tại theo thời gian dành cho tất cả chúng ta, kể cả những Thực tập sinh sang Nhật làm việc. “Con người ta sinh ra không phải để tan biến như hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu chân trên mặt đất, và lưu dấu ấn trong trái tim người khác". Chúc các bạn Thực tập sinh của Esuhai – KaizenYoshidaSchool sẽ in được dấu chân của mình ở thật nhiều nơi trên mặt đất và lưu dấu ấn của mình trong thật nhiều trái tim người khác nhé!


scroll top