03/03/2017
3758
0
Tin này thuộc chuyên mục: Vườn ươm nhân tài > Cầu nối Việt - Nhật
Vay vốn người Nhật để làm ăn với người Nhật

Đối với nhiều người, đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) chỉ để kiếm tiền, về nước là mất nghề, về làm ruộng hoặc buôn bán. Nhưng không ít lao động, đặc biệt là lao động đi làm việc tại Nhật Bản lại coi đó là bước đệm giúp mình tiến xa hơn…


Tổng giám đốc Lê Long Sơn (đứng thứ 2 từ phải) tại lễ khánh thành Trung tâm đào tạo nhân lực Việt - Nhật.

 

10 năm chuẩn bị

Năm 1995 sau khi tốt nghiệp ĐH Bách Khoa TP.HCM, Lê Long Sơn quyết định “Đông du” Nhật Bản để làm nghiên cứu sinh tại trường Tokyo Noko University, ngành cơ khí khuôn mẫu. “Mục đích ban đầu của tôi là học hỏi người Nhật và nâng cao tay nghề để trở về Việt Nam phát triển ngành khuôn mẫu. Nhưng trong nhiều lần làm phiên dịch cho hiệp hội tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang Nhật làm việc đã thay đổi quyết định của tôi – một bước ngoặt để tôi xây dựng công ty Esuhai sau này” – Sơn nhớ lại.

 

5 năm ở Nhật, vừa theo học khóa thạc sỹ khuôn mẫu, vừa làm chân phiên dịch cho hiệp hội tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam của Nhật. “Tôi nhận ra một điều, khả năng tiếng Nhật của lao động Việt Nam rất kém khiến giao tiếp giữa hai bên không thuận lợi. Trong tôi nảy sinh ý tưởng và ấp ủ dự án mở trường đào tạo Nhật ngữ tại Việt Nam để đào tạo tiếng Nhật cho những thực tập sinh Việt Nam trước khi sang Nhật làm việc. Tiến tới thành lập công ty XKLĐ để tận dụng cơ hội thu hút nguồn lực nước ngoài của người Nhật” – Sơn kể.

 

Để có những bước cơ bản tiến hành dự án như ấp ủ, Sơn tìm đến công ty XKLĐ Tracimexco xin làm đại diện cho công ty này tại Nhật để tìm hiểu thêm về chương trình XKLĐ mà chính phủ hai nước Nhật Bản – Việt Nam đang thực hiện. Đồng thời tạo niềm tin xây dựng mối quan hệ với hiệp hội tiếp nhận thực tập sinh tại Nhật và các nhà máy tiếp nhận lao động Việt Nam để thực hiện ước mơ sau này.

 

Hơn 10 năm, một chặng đường dài giúp Sơn thấm nhuần nền văn hóa của người Nhật cũng như hiểu tường tận chương trình XKLĐ và đưa ra quyết định “về Việt Nam khởi nghiệp”.

 

Giúp người giúp mình

Năm 2006, Lê Long Sơn trở về Việt Nam thành lập công ty Esuhai với nền tảng ban đầu là trường đào tạo Nhật ngữ KaizenYoshidaSchool.

 

“Lúc đó, chúng tôi chỉ đào tạo nhân lực để cung ứng cho công ty Tracimexco xuất qua Nhật làm việc. Đến năm 2008 chúng tôi mới xin được giấy phép XKLĐ của Bộ LĐTBXH, để hoàn thiện quá trình đào tạo và phái cử lao động qua Nhật. Nhưng cũng phải đến năm 2010 chúng tôi mới xuất được lớp lao động đầu tiên qua Nhật làm việc” – anh Sơn cho biết.

 

Nhưng cũng kể từ đây, rào cản khó khăn bắt đầu xuất hiện. Các đối tác Nhật yêu cầu cung ứng nhân lực ngày một nhiều mà Esuhai không thể mở rộng đào tạo vì nguồn vốn eo hẹp.

 

Đang rối bời vì không biết tìm đâu ra nguồn vốn mở rộng công ty thì một người bạn Nhật gợi ý tìm nguồn vay của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản JICA. Sơn quyết định trở lại Nhật, tìm hiểu chương trình vốn vay của JICA. Nhờ những người bạn làm cầu nối, Sơn được JICA cho phép giới thiệu đề án, thuyết phục tổ chức này để vay vốn ODA ưu đãi. “Mục tiêu chính của đề án là đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam thông qua chương trình XKLĐ, nhất là chương trình hậu XKLĐ – tức là bảo đảm nguồn lực này sau thời gian làm việc tại Nhật trở về phục vụ sự phát triển trong nước. Điểm mấu chốt này đã thuyết phục JICA nhận hồ sơ thẩm định việc vay vốn của Esuhai” – anh Sơn cho biết.

 

Hồi hộp chờ đợi với hy vọng mong manh, nhưng bất ngờ, tháng 11/2011 JICA thông báo đồng ý cho vay khoản vốn ưu đãi ODA mà Esuhai đề xuất. Có được vốn vay, Esuhai tiến hành xây dựng trung tâm đào tạo nhân lực Việt – Nhật với chi phí hơn 50 tỷ đồng (trong đó 70% là vốn vay ODA của JICA với 1,7 triệu USD) tại quận Tân Bình. Và ngày 12/9/2013, Esuhai đã làm lễ khánh thành trung tâm trong sự thán phục của nhiều đồng nghiệp.

 

Cầu nối Việt – Nhật

Esuhai hiện là công ty hàng đầu trong hoạt động XKLĐ. Hiện, mỗi năm, Esuhai phái cử hơn 1.000 lao động sang Nhật làm việc, một con số mà theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) hầu như chưa có công ty nào làm được trước đây. Không chỉ phái cử lao động, Esuahi còn tiến thêm một bước làm cầu nối giới thiệu, tư vấn cho doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, kèm theo sự tư vấn, Esuhai cam kết cung cấp nguồn lực đã phái cử qua Nhật trở về làm việc cho các công ty Nhật đầu tư tại Việt Nam.

 

“Bước đi này đúng với chiến lược XKLĐ mà nhà nước đã đề ra nhưng chưa làm được. Esuhai chính là mẫu hình cầu nối Việt – Nhật trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vào chuyển giao công nghệ” - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hòa cho biết.

 

Mới đây, theo tiết lộ của ông Lê Long Sơn, JICA đã quyết định cho Esuhai tiếp tục vay gói ưu đãi thứ hai trong dự án xây dựng trung tâm đào tạo mới tại quận Tân Phú (TP.HCM) với tổng chi phí 125 tỷ đồng (tổng vốn được vay 705 của dự án).

 

Tiêu chí lựa chọn dự án tài trợ vốn đầu tư ODA của JICA theo phương thức này là các dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, các dự án cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Đặc biệt là các dự án đầu tư phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao. ODA của JICA có thời hạn vay vốn từ 20-40 năm, với lãi suất từ 0,1-0,4% tùy theo từng dự án.

(Nguồn: Báo Nông Thôn Ngày Nay)

 


scroll top