15/08/2012
22602
0
Lễ hội Obon - Nhật Bản

Lễ Vu Lan vào dịp rằm tháng bảy âm lịch hàng năm là một nét truyền thống tốt đẹp của người Việt. Ở Nhật Bản, người dân cũng có một lễ hội mang ý nghĩa tương tự như vậy, đó chính là lễ Obon, được diễn ra vào tháng 8 dương lịch hàng năm.

Obon là dạng viết tắt của Ullambana, có nguồn gốc từ tiếng Sanskrit, có nghĩa là “treo ngược lên” và dùng để chỉ một sự giải thoát to lớn. Người Nhật tin rằng vào ngày này những người chết có thể thoát khỏi cảnh khổ cực của việc bị treo ngược lên dưới địa ngục do những tội ác mà họ đã làm.

Nguồn gốc

Obon hay còn được gọi là Bon (Ngày của người chết), là một phong tục truyền thống của người Nhật theo Phật giáo. Lễ hội này dược tổ chức để tưởng nhớ những người thân đã qua đời. Trải qua thời gian dài, phong tục này đã phát triển thành lễ đoàn tụ gia đình, là thời điểm mọi người trở về quê cha đất tổ thăm viếng, dọn dẹp phần mộ của tổ tiên. Đây cũng là thời điểm mà họ tin rằng linh hồn của những người đã mất được phép trở về thăm con cháu.

Obon, lễ hội được mong chờ nhất trong tháng 8 của người Nhật

Thời gian diễn ra lễ Obon

Ngoài ra, lễ Obon còn được biết đến dưới một cái tên khác “Lễ hội của những con thuyền”. Nó đã được tổ chức ở Nhật hơn 500 năm, và thường gắn liền với một điệu múa dân gian, có tên là Bon-Odori. Lễ hội Bon kéo dài trong ba đến bốn ngày, tuy nhiên ngày bắt đầu lại có sự khác biệt giữa các vùng miền của Nhật Bản:

* Shichigatsu Bon (Bon tháng bảy), tổ chức vào ngày 15 tháng 7 dương lịch, ở các vùng như Tokyo, Yokohama và Tohoku.
* Kyu Bon (Bon cũ) tổ chức ngày 15 tháng 7 âm lịch ở các vùng phía Bắc Kanto, Chugoku, Shikoku và các đảo ở phía Tây Nam.

* Hatchigatsu Bon (Bon tháng tám) thì được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 dương lịch. Đây là ngày phổ biến nhất và là ngày hội Obon lớn nhất được tổ chức tại cố đô Kyoto.

Lễ hội Obon mang ý nghĩa tinh thần rất lớn trong người dân Nhật Bản

Ý nghĩa của Lễ hội Obon là: "Linh hồn của những người đã khuất sẽ quay trở về trần thế". Nó cũng giống như ngày Rằm Tháng Bảy, ngày Xá tội vong nhân ở nước ta.

Những nét tương đồng

Nếu như ở Việt Nam có tục cúng lễ rất lớn và đốt vàng mã dâng lên người đã khuất thì người Nhật Bản cũng có những nét tương đồng. Đồ cúng thờ của họ là những chiếc bánh như bánh khảo, làm từ bột gạo màu xanh, đỏ, vàng… (một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Nhật) trông rất hấp dẫn và thường có hình hoa sen (tiếng Nhật gọi là Hasu Okashi) cùng với những giỏ hoa quả gồm nhiều loại được trình bày rất đẹp mắt trên bàn thờ gọi là Obon-dana (hoặc Tama-dana). Đồ cúng được thay đổi mỗi ngày, ngày 13 là Mukaedango (Bánh đón linh hồn); ngày 14 là Ohagi (Một loại bánh bột gạo); ngày 15 là Soumen (Bún làm bằng bột mì) và ngày 16 là Okuridango (Bánh tiễn linh hồn).

Obon-dana cho lễ hội Bon

Lễ hội Obon được tổ chức hai lễ chính là lễ Mukaebo (Đón các linh hồn) và lễ Okuribon (Tiễn các linh hồn). Dưới đây là trình tự nghi lễ Obon:

Ngày 13: Lễ đón các linh hồn. Vào chiều tối, người ta đặt những cây đèn thắp sáng trước bàn thờ và đốt những cuống gai đã tước trước vỏ ở vườn và cổng. Đây được gọi là “Lửa đón” để giúp các linh hồn thấy đường trở về nhà.

Ngày 14,15: Khoảng thời gian các linh hồn ở lại nhà. Lúc này người ta đặt đồ thờ cúng lên bàn thờ để cúng cho các linh hồn. Đây cũng là thời điểm bắt đầu các sự kiện ngoài đường phố.

Ngày 16: Lễ tiễn các linh hồn. Lúc này người ta lại đốt lửa “Lửa tiễn đi” tại đúng vị trí đốt “Lửa đón” để thắp sáng đường tiễn các linh hồn về với thế giới bên kia.

Các hoạt động diễn ra trên đường phố trong những ngày tổ chức lễ Obon

Nhiều hoạt động tín ngưỡng được người dân Nhật Bản tổ chức để kỉ niệm Lễ hội Obon. Quan trọng nhất trong đó chính là sự kiện dâng lửa để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất trở về trời bằng 5 đám lửa lần lượt được đốt lên ở 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Những đám lửa lớn được sắp xếp theo hình dạng của các chữ Hán. Bắt đầu là chữ Đại (Daimonji), rồi đến Diệu (Myo), Pháp (Ho) và Thuyền (Funagata), chữ Đại nhỏ ở đỉnh núi nhỏ hơn gọi là Hidari-Daimonji, gần với chùa Vàng. Mặc dù có nhiều nguồn gốc khác nhau về Lễ dâng lửa, nhưng đa số đều cho rằng phong tục này bắt đầu vào thời Muromachi (1336-1573).

Lễ Obon thu hút rất nhiều du khách nước ngoài

Lễ dâng lửa Obon được tổ chức vào 20 giờ ngày 16 tháng 8, lúc này hàng ngàn người sẽ đổ về Kyoto, và tập trung đông nhất ở khu vực xung quanh trường Đại học Kyoto để xem những ngọn lửa được thắp sáng. Vị trí quan sát rõ nhất chính là đỉnh núi Yoshida và Funaoka. Và sau khi đám lửa đã cháy hết, các điệu múa của Lễ hội Bon sẽ được tổ chức tại chùa Yusen-ji dưới chân các ngọn núi. Các điệu múa này là Daimoku và Sashi, thường được bắt đầu từ 21h và kết thúc sau khoảng 1 giờ đồng hồ.

Ngọn lửa cháy với hình chữ Đại (Daimonji)

Truyền thuyết về điệu múa Bon - Odori

Vũ điệu Bon-Odori là một trong những nét đặc trưng của Obon mà không thể không nhắc đến. Tương truyền vũ điệu này bắt nguồn từ câu chuyện của Phật tử Mokuren. Vì quá tưởng nhớ đến người mẹ qua cố, ông đã dùng phép thần thông để tìm mẹ khắp trên trời dưới đất, và cuối cùng ông đã nhìn thấy cảnh bà đang phải chịu đói khổ dưới địa ngục do những nghiệp ác, điều ích kỉ mà bà đã làm. Thương mẹ, ông đến bên Phật Tổ cầu xin, Phật đã hướng dẫn ông dâng cúng lễ vật lên chư tăng, những vị tăng nhân vừa hoàn tất ba tháng an cư kiếp hạ giới vào ngày 15 tháng 7. Mokuren đã làm theo và nhờ đó mẹ ông đã được giải thoát. Do quá cảm kích, ông đã nhảy múa một cách vui mừng. Và điệu múa Bon-Odori bắt nguồn từ đó.

Lễ hội kết thúc với nghi thức Toro Nagashi (thả thuyền giấy). Các con thuyền được xếp bằng giấy rồi thả theo các con sông như là biểu tượng để tiễn đưa linh hồn những người quá cố trở về thế giới của họ.

Đèn lồng giấy được sử dụng rất nhiều trong lễ hội Bon

Trong lễ hội Obon, người ta thường mặc trang phục truyền thống Yukata, một loại Kimono với chất liệu vải mỏng và mát. Các cuộc đi chơi ngoài trời hay các trò chơi dân gian diễn ra sôi nổi. Dưa hấu là một trong những loại quả được sử dụng nhiều nhất trong lễ hội. Lễ hội thường kết thúc với những đợt biểu diễn pháo bông vô cùng đẹp mắt.

Cộng đồng người Nhật khắp nơi trên thế giới tổ chức lễ hội Bon

Nếu như bạn có dịp đến Kyoto vào tháng 8, hãy tham dự Obon để hiểu biết thêm về một đất nước đầy những tinh hoa truyền thống, những nét đẹp trong văn hóa của người dân xứ sở hoa anh đào.

Theo kenh14.vn

scroll top