23/03/2022
4482
0
Sự ra đời của chiếc nồi cơm điện đầu tiên trên thế giới

Những chiếc nồi cơm điện không thể thiếu trong căn bếp mỗi ngày của chúng ta là một phát minh đầy tự hào của người Nhật và có lịch sử ra đời vào giai đoạn hậu chiến. Để biết cụ thể chiếc nồi cơm điện đầu tiên trên thế giới ra đời như thế nào, mời bạn theo dõi bài viết sau đây nhé!

Những ý tưởng đầu tiên từ các loại bếp, nồi truyền thống

Nồi cơm điện tự động ban đầu được gọi là "nồi cơm điện nắp rời". Bạn có thể ngủ ngay cả khi cơm đang được nấu, qua đó làm giảm đáng kể lượng công việc của những bà nội trợ. Ban đầu thì ý tưởng nấu cơm bằng điện, chẳng hạn như bọc một dây điện vào đáy của bếp "kamado" hoặc nồi "ohitsu" đã có từ giai đoạn Tây hóa, nhưng chỉ mới ở mức độ thử nghiệm mà thôi.

Sự ra đời của chiếc nồi cơm điện đầu tiên trên thế giới

Ý tưởng về nồi cơm điện đã được hình thành trước đó nhưng vẫn chưa một cá nhân hay đơn vị nào thành công chế tạo được nồi cơm điện, các sản phẩm được tạo ra vấp phải rất nhiều thử thách như gạo hấp thụ nước không đều, khô hoặc nhão nhoét như cháo đặc.
Thực tế thì người đã phát triển thành công nồi cơm điện là hai vợ chồng ông Minami Yoshitada và bà Fumiko. Lúc này ông bà đang là người điều hành một nhà máy tại quận Ota, Tokyo. Trong lúc công việc kinh doanh của vợ chồng Minami ngày càng phát triển với bình nước nóng chạy điện nhưng việc quân Đồng minh rút khỏi Nhật vào năm 1952 khiến số lượng đơn đặt hàng giảm xuống dẫn đến nguy cơ phá sản. Trong cơn khủng hoảng và đứng trước nguy cơ phá sản, nhận được gợi ý từ Shogo Yamada - trưởng nhóm Phát triển thiết bị điện gia dụng Toshiba (người đã bắt đầu phát triển nồi cơm điện trước đó vào giữa năm 1950), ông Minami cũng đã bắt tay vào phát triển nồi cơm điện nắp rời vì nhận ra đây là cơ hội để vượt qua cơn khủng hoảng.

Thế chấp nhà máy và nhà riêng, vay ngân hàng để chế tạo nồi cơm điện

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực tế Minami mới thấy việc nấu cơm tự động hoàn toàn không đơn giản một chút nào. Ông quyết định thế chấp nhà máy và nhà riêng, vay ngân hàng, mua một lượng lớn gạo, và thử chế tạo rất nhiều lần.
Kết quả của những thí nghiệm cho thấy để nấu cơm ngon thì việc giảm nhỏ lửa là không cần thiết, chỉ cần đun với nhiệt độ cao không đổi là đủ. Nghĩa là, cơm nên được đun ở nhiệt độ cao trong 20 phút kể từ sau khi sôi. Thời gian đun sôi khác nhau tùy thuộc vào lượng gạo, lượng nước và nhiệt độ. Nếu chỉ đơn giản hẹn giờ không thôi thì cơm nấu ra có thể chưa chín hoặc thậm chí bị cháy khét. Thế nên, cần tìm ra cách ngắt công tắc sau 20 phút từ thời điểm hơi nước bắt đầu bốc lên.

Thành quả được sinh ra từ sự kiên trì

Một phương pháp được gọi là "nấu gián tiếp qua nồi hai lớp" đã ra đời qua nhiều lần thử nghiệm thất bại. Lớp nồi bên ngoài sẽ được đổ một lượng nước bằng với một cốc nước, sau đó đun nóng lên. Khi nước trong lớp nồi ngoài bốc hơi hết thì nhiệt độ sẽ tăng đột ngột và nguồn điện sẽ được tắt nhờ vào bộ phận cảm ứng nhiệt độ. Cuối cùng sau 3 năm, nồi cơm điện nắp rời đã hoàn thành và được Toshiba bán ra vào ngày 10/12/1955. Mỗi chiếc nồi có giá niêm yết là 3.200 yên - tương đương với một phần ba mức lương khởi điểm của những sinh viên tốt nghiệp đại học lúc bấy giờ (thu nhập bình quân hàng tháng của người dân vào năm 1955 là 18.343 yên). Ngoài ra, một công tắc hẹn giờ bật tắt tùy ý cũng được bán ra cùng với chiếc nồi.

Nồi cơm điện tạo ra “cuộc cách mạng nhà bếp”

Nồi cơm điện nhanh chóng nhận được những bình luận tích cực từ các bà nội trợ - những người thường bận rộn vào buổi sáng, và nhanh chóng được tiêu thụ hết tại các cửa hàng. Nồi cơm điện sau đó được phổ biến đến khoảng một nửa số hộ gia đình vào năm 1960. Nó đã được người Nhật Bản, các quốc gia Đông Nam Á và thế giới đón nhận nồng nhiệt dưới cái tên “Automatic Rice Cooker” (Nồi cơm điện tự động) như là một phát minh mang tính toàn cầu bắt nguồn từ đất nước mặt trời mọc. Nhờ đó, các bà nội trợ ở nhà có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, họ được giải phóng mình khỏi công việc bếp núc và có thể phát triển bản thân trong những lĩnh vực khác.

Năm 1972, nồi cơm điện có chức năng giữ nhiệt được ra đời, và từ năm 1979, nồi cơm điện có trang bị vi điều khiển quản lý quá trình ngâm và hâm nóng sau khi vo gạo đã xuất hiện. Năm 1988, nồi cơm điện cao tần - làm nóng bằng cảm ứng điện từ đã được bán ra.

Kể từ năm 1990, thực tế số lượng xuất xưởng hàng năm trong nước là từ 6 triệu đến 7 triệu chiếc, có thể nói đây là một sản phẩm ổn định được sản xuất tại Nhật Bản.

Để tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, khoa học, công nghệ và những điều thú vị khác của đất nước mặt trời mọc, các bạn hãy tham gia những chương trình tại KaizenYoshidaSchool để trau dồi tiếng Nhật cho mình một cách tốt nhất. Gọi liền Hotline (028) 777.96.222 để được tư vấn ngay hôm nay bạn nhé!

scroll top