17/07/2017
3698
0
Tin này thuộc chuyên mục: Vườn ươm nhân tài > Cầu nối Việt - Nhật
Quốc Việt - Thực tập sinh đạt giải Nhì cuộc thi Hùng biện tại Nhật: GIẢ VỜ BIẾT LÀ MỘT ĐIỀU ĐÁNG XẤU HỔ

Từ Tokyo, Quốc Việt (cựu học viên KaizenYoshidaSchool, lớp Esu136) báo tin đã đạt giải Nhì cuộc thi Hùng biện tại Tokyo cùng với lời cảm ơn sâu sắc gửi đến quý thầy cô Kaizen và các anh chị của Esuhai đã tận tâm giảng dạy trong thời gian học tại trường và đồng hành cùng Việt trong quá trình làm việc tại Nhật Bản.

Bài hùng biện mà Quốc Việt đã thể hiện tại cuộc thi và giúp Việt đạt được giải Nhì là: “GIẢ VỜ BIẾT LÀ MỘT ĐIỀU ĐÁNG XẤU HỔ”.

“Chào các bạn! Mình là Thực tập sinh đến từ Việt Nam.

Đầu tiên mình có một câu hỏi muốn hỏi các bạn, đó là: “Các bạn có cảm thấy xấu hổ khi gặp một chuyện gì đó mà mình không biết không? Và các bạn nghĩ bản thân mình có biết hết được tất cả mọi việc không?”

Riêng bản thân mình khi không biết một việc gì đó, mình không cảm thấy xấu hổ. Chắc có lẽ sẽ có rất nhiều bạn đang thắc mắc tại sao mình lại hỏi như vậy. Ngay sau đây mình và các bạn sẽ cùng phân tích về điều này nhé.

Có một số người chỉ bởi vì niềm tự hào bản thân mà ngay cả khi gặp một vấn đề gì đó không biết, họ sẽ "giả vờ" rằng là "À, cái này tôi biết. Cái này tôi cũng biết. Tôi biết hết tất cả". Trong cuộc sống, sẽ có những chuyện mà chúng ta không biết hay không hiểu hết được. Tuy nhiên để nhận được sự ngưỡng mộ từ những người khác, có những người sẽ nói dối rằng điều đó họ biết và đưa ra câu trả lời sai.

Với một người hiểu biết thì họ sẽ không “giả vờ” như vậy, vì nếu khi nói ra một câu trả lời sai, có thể lúc đó mọi người chưa nhận ra điều sai đó nên cũng có thể người “giả vờ biết” sẽ nhận được sự ngưỡng mộ. Nhưng liệu bạn có nghĩ đến sau đó không? Khi mà mọi người biết được những gì người “giả vờ biết” từng nói đều là sai hết?

Mình nghĩ lúc đó “giả vờ biết” thực sự là điều đáng xấu hổ. Và những người “giả vờ biết” thường rất khó để thành công trong cuộc sống.

Kiến thức không bao giờ là đủ và quá trình trau dồi học hỏi là điều rất quan trọng. Khi bạn không biết về điều gì, bạn hãy tìm hiểu và nghiên cứu nó, điều đó không hề xấu hổ. Vì khi không biết điều gì, bạn sẽ dành thời gian tìm hiểu và cuối cùng bạn sẽ hiểu rõ về điều bạn chưa biết.

Người Nhật Bản chưa chắc đã hiểu hết tiếng Nhật. Người Việt Nam cũng vậy, cũng không thể nào biết hết được tiếng Việt, mọi người đều phải học tập, nỗ lực mỗi ngày để luôn luôn trau dồi kiến thức. Vì vậy việc mình không biết không phải là điều đáng xấu hổ, mà điều đáng xấu hổ nhất đó chính là sự "giả vờ" biết, "giả vờ" hiểu.

Để bù đắp những thiếu sót của bản thân, tôi nghĩ bản thân phải luôn cố gắng học tập, phải biết chủ động đặt câu hỏi để tìm câu trả lời đúng đắn. Không được phép vì một chút ngưỡng mộ từ người khác mà làm mất đi giá trị và sự uy tín của bản thân. Cùng cố gắng các bạn nhé!”.

Từ kinh nghiệm thi và đạt giải của bản thân, Quốc Việt nhắn nhủ tới các bạn học viên Kaizen: “Lúc thi Việt cũng run lắm nhưng đã cố giữ bình tĩnh và tự động viên chính mình: “Tự tin lên nào! Mình sẽ làm được!” và Việt đã làm được. Các bạn Kaizen mình cũng hãy tự tin, hãy cho mình cơ hội thử sức với các cuộc thi dành cho Thực tập sinh người nước ngoài khi sống và làm việc ở Nhật nhé!".

scroll top