05/11/2020
7493
0
Búp bê thời tiết Nhật Bản

Trong các bộ phim và truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản, hình ảnh những con Búp bê thời tiết bằng vải treo bên hiên nhà rất hay xuất hiện. Vậy chúng là gì và có ý nghĩa ra sao trong đời sống sinh hoạt của người dân Nhật Bản? Hôm nay hãy cùng Kaizen tìm hiểu về Búp bê thời tiết này nhé!

Tại sao gọi là Búp bê thời tiết?

Búp bê thời tiết hay còn gọi là Teru teru bouzu (てるてる坊主), là loại búp bê truyền thống dùng để cầu thời tiết của Nhật Bản.

Trong tiếng Nhật “Teru” (てる) có nghĩa là nắng, “Bouzu” (坊主) là pháp sư. Cái tên Teru teru bouzu có nghĩa là cậu bé nắng, phổ biến ở Việt Nam với cái tên Búp bê thời tiết.

Lịch sử của Búp bê thời tiết

• Bản gốc lưu truyền từ Trung Quốc

Theo Hiệp hội thời tiết Nhật Bản, truyền thống dùng Búp bê thời tiết phổ biến tại Nhật lại được bắt nguồn từ Trung Quốc trong thời kỳ Heian (794-1185). Đây là thời kỳ đạo Khổng và các yếu tố văn hóa của Trung Quốc ảnh hưởng mạnh mẽ đến Nhật Bản. Và câu chuyện cầu nắng trong phiên bản này nhân vật chính là một cô gái cầm chổi.

Vào thời tiết trời mưa như trút nước xuống một ngôi làng nọ, từ trên trời bỗng vọng xuống một giọng nói cho biết toàn bộ ngôi làng sẽ bị nhấn chìm trong biển nước nếu như họ không đưa một cô gái trẻ đẹp ra hiến tế. Vậy là một cô gái trong làng đã được chọn để cứu giúp dân chúng khỏi cảnh lầm than.

Cô gái trẻ bay về trời cùng với một cây chổi trong tay để có thể quét hết mây đen, làm cho trời quang mây tạnh. Sau này để tưởng nhớ về cô gái dũng cảm, người dân thường cắt giấy thành hình cô gái cầm chổi. Những hình giấy này được treo ngoài cửa để cầu cho thời tiết nắng ráo.

Được biết đến với cái tên So Chin Nyan hoặc Souseijou (掃 晴 娘) trong tiếng Nhật, theo nghĩa đen là “cô gái mang tới thời tiết tốt”. Khái niệm búp bê giấy dần dần biến thể và cuối cùng trở thành Teru teru bozu phiên bản Nhật Bản mà hẳn ai biết đến cũng phải bàng hoàng.

• Bản biến thể tại Nhật Bản

Lúc bấy giờ có một vị sư danh tiếng lẫy lừng khắp một vùng nông thôn nước Nhật với tài năng thiên biến vạn hóa của mình. Mấy năm nay mùa mưa lũ kéo dài mang đến nhiều tai ương thất bát mùa vụ cho dân lành, nông phẩm lần lượt chết tàn, ngập úng, người dân đói khổ. Vị sư kia hứa hẹn với một lãnh chúa phong kiến sẽ giúp lập đàn cầu nắng giúp cho mùa màng tươi tốt nhưng không ngờ ánh mặt trời chẳng thấy ló dạng, mưa thì như vũ bão.

Quá tức giận, điên cuồng với sự thất hứa của nhà sư, vị lãnh chúa đã sai người chặt đầu nhà sư để trừng phạt. Chiếc đầu này sau đó được bọc trong tấm vải, treo trước làng để cầu xin cho mưa đừng rơi và ngày nắng ráo sẽ đến. Kì lạ thay ngay ngày hôm sau trời đã ngừng mưa và nắng bắt đầu lên. Thật đáng sợ phải không các bạn?

Một truyền thuyết khác bớt đáng sợ hơn lại kể rằng Teru teru bozu đại diện cho con yêu quái (yokai - 妖怪) sống trong núi sâu có tên là Hiyoribo (日和坊). Con yokai này thường mang đến thời tiết đẹp đẽ, nắng ấm tỏa khắp muôn nơi và trong những ngày mưa sẽ không ai thấy con Hiyoribo đâu cả.

Mặc dù các truyền thuyết về nguồn gốc của Búp bê thời tiết có phần ghê rợn nhưng với hình dáng đáng yêu và ý nghĩa cầu nắng, mưa của nó, cùng tần suất xuất hiện “cute” trong các phim hoạt hình Nhật Bản nên chúng ta hãy bỏ qua chi tiết truyền thuyết này đi nhé! Và hãy làm cho mình 1 con để thử cầu mưa, nắng xem như thế nào?

Cách làm Búp bê thời tiết

Teru teru bouzu thường được làm từ mảnh vải bông trắng tinh hoặc giấy lụa mềm, có hình vuông khổ vừa khoảng 25 cm x 25 cm, kèm theo các nguyên liệu phụ khác như keo dán, bút màu, dây cước, len, chỉ. Tùy vào sở thích của từng người mà mỗi con búp bê làm ra sẽ có các hình dạng, kích thước khác nhau. 

Cách làm búp bê thời tiết vô cùng đơn giản, bạn vò một miếng vải hoặc giấy thành khối tròn và bỏ nó vào miếng vải còn lại. Túm miếng vải lại và dùng dây thun cột chặt để cố định phần đầu. Sau đó bạn có thể thỏa sức trang trí tạo nên những Teru teru bouzu xinh đẹp và trông thật bắt mắt. Và cuối cùng là buộc thêm một sợi dây cước để treo chúng lên. Thế là hoàn thành rồi đấy! Thật đơn giản đúng không nào?

Pháp lực nhiệm màu của Búp bê thời tiết

Teru teru bouzu đóng vai trò như lá bùa màu nhiệm giúp mang lại thời tiết tốt đẹp, trời yên biển lặng, ngăn chặn ngày mưa bão ảnh hưởng đến nông nghiệp.

Thông thường, người ta sẽ treo những con búp bê này ở trước hiên nhà hay cửa sổ. Trong những buổi du lịch hay dã ngoại, người Nhật cũng sẽ mang theo để khấn cầu thời tiết như ý, thuận lợi cho các hoạt động vui chơi của mình.

Nếu bạn treo Teru teru bouzu thẳng đứng, hướng lên thì sẽ là cầu nắng, còn ngược lại nếu treo ngược hướng phần đầu xuống đất có nghĩa là bạn đang muốn hôm nay trời sẽ mưa to.

“Búp bê thời tiết” - nét văn hóa đặc biệt của Nhật bản

Cảnh tượng búp bê Teru Teru Bouzo được treo bên cạnh các khung cửa sổ đã trở nên rất phổ biến ở Nhật, tạo nên khung cảnh khá ấn tượng, một nét văn hóa đặc biệt của riêng đất nước mặt trời mọc.

Ngày nay, Búp bê thời tiết không còn quá mang nặng ý nghĩa tâm linh, mà chỉ đơn thuần mang niềm tin tưởng vào đất trời của người dân xứ sở hoa anh đào. Khi đến Nhật người ta vẫn bắt gặp hình ảnh những đứa bé cầm Teru teru bouzu treo lên và khấn nguyện một ngày thời tiết tốt lành.

Các sản phẩm búp bê thời tiết không những phổ biến với người dân trong nước, mà còn là sự lựa chọn của nhiều khách du lịch nước ngoài khi đến Nhật mua làm quà lưu niệm hoặc trao tặng bạn bè. 

Nếu bạn đã đổ gục trước vẻ ngoài xinh xinh của Teru Teru Bouzo thì còn chần chờ gì mà còn không mua hoặc tự làm một búp bê nắng – mưa cho mình và tặng cho bạn bè, người thân yêu. Đây hẳn là một món quà cực kì ý nghĩa và dễ thương đấy!

Để có thể trau dồi khả năng tiếng Nhật cũng như khám phá thêm nhiều nét đẹp văn hóa xứ sở mặt trời mọc, thì hãy nhanh tay đăng ký ngay khóa tiếng Nhật tại KaizenYoshidaSchool hoặc gọi ngay (028) 62 666 222 để được tư vấn miễn phí bạn nhé!

Nguồn tham khảo: Kenh14, Japo

scroll top